Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam một phần do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh: Đ.T |
Sụt giảm tốc độ tăng trưởng
Phần lớn sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam gần đây là do tăng trưởng yếu trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và sản xuất. Bất động sản đang ở mặt trái của “chu kỳ bùng nổ và suy thoái”, điển hình trong nền kinh tế thị trường. Và khó khăn của bất động sản là do lãi suất tăng và sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng giải ngân đầu tư công đang góp phần kích thích hoạt động xây dựng.
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng chậm lại trên các thị trường quốc tế. Suy thoái toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ đã góp phần làm xuất khẩu hàng hóa giảm 11,4% trong nửa đầu năm. Xuất khẩu sang Mỹ đã giảm hơn 20%, trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, EU và Trung Quốc giảm nhẹ hơn. Xuất khẩu dịch vụ đã tăng mạnh với việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19.
Lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng bất lợi bởi tình trạng thiếu điện vào cuối quý II/2023, một phần do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, nhưng cũng do sự chậm trễ trong việc thống nhất các chiến lược và chính sách phát triển điện. Sản lượng của một số mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động như may mặc, giày dép và đồ nội thất đều giảm. Sản lượng vật liệu xây dựng như xi măng và thép cũng giảm.
Tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ hầu như không thay đổi, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng mạnh (tăng 15,1%). Thương mại nội địa tăng 8,5% và logistics (hậu cần) tăng 7,2%. Lượng khách du lịch quốc tế tăng vọt sau khi Việt Nam nới lỏng hơn nữa các hạn chế do Covid-19. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 3,1%/năm, với sự tăng trưởng bền vững về sản lượng gạo, các cây ngũ cốc khác, cây công nghiệp, rau quả, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Tổng đầu tư phát triển của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 4,7%, mặc dù đầu tư tư nhân đang chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ tăng 0,5% trong nửa đầu năm, trong khi đầu tư công tăng hơn 20%. Tổng vốn đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) cũng tăng 12,6%.
Thách thức để đẩy mạnh tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ về tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo và xây dựng, cộng với những cải thiện hơn nữa về tăng trưởng của ngành dịch vụ và tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Điều này là có thể, nhưng khó đạt được.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam một phần do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với xuất khẩu, dòng vốn FDI và khả năng cung cấp vốn của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, dự báo rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% vào năm 2023 (từ 3,1% vào năm 2022), với lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và các điều kiện tín dụng hạn chế hơn. Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong suy thoái kinh tế toàn cầu do tỷ lệ thương mại và FDI trên GDP cao.
Những hạn chế về thể chế và chính sách trong nước kéo dài đã gây khó khăn cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, việc phát triển kỹ năng, các thể chế kinh tế hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt hơn, đẩy mạnh việc cải thiện quản lý môi trường và giảm tham nhũng vẫn là những ưu tiên trung hạn.
Ngoài ra, cũng cần phải khẩn trương hơn trong việc xác định và giải quyết các rào cản đối với đầu tư. Sự chậm trễ trong việc giải quyết những nút thắt có thể gây ra chi phí kinh tế và xã hội lớn, thể hiện qua sự cố mất điện gần đây. Mặc dù các quy trình tham vấn là quan trọng và tốn thời gian, nhưng các công chức nhà nước cần phải chịu trách nhiệm về những chậm trễ không cần thiết.
Hàm ý chính sách
Việt Nam nên tập trung vào việc thu hút các khoản đầu tư có chất lượng, thay vì đạt được các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn sẽ mang lại kết quả tốt, ngay cả khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt không đạt được như mong muốn.
Tuy nhiên, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên quan trọng nhất, vừa để giảm tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với các nhóm yếu thế, vừa mang lại sự ổn định cần thiết để thu hút đầu tư kinh doanh trong tương lai. Việt Nam cũng cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, giám sát thị trường tài chính và thị trường vốn.
Việc tăng đầu tư công vào hạ tầng, giáo dục và y tế sẽ rất quan trọng để thu hút đầu tư kinh doanh chất lượng cao. Ngoài ra, cũng cần tập trung nhiều hơn vào các tác động môi trường và công bằng của đầu tư công và phát triển thể chế.
Mặc dù mức độ thương mại và FDI cao trong những thập kỷ gần đây đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng những nỗ lực lớn hơn để xây dựng khu vực tư nhân trong nước (bao gồm tăng cường liên kết với FDI) và thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ có thể giúp Việt Nam trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc kinh tế bên ngoài.
Việt Nam có thể giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế toàn cầu thông qua việc loại bỏ các rào cản không cần thiết đối với thương mại và đầu tư nước ngoài. Những cải cách gần đây về du lịch và năng lượng là những bước tiến quan trọng, nhưng thách thức hiện nay là phải đẩy mạnh giám sát và đảm bảo thực hiện hiệu quả các biện pháp này.
Việt Nam cần có những cải cách hơn nữa để tăng cường cạnh tranh đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ (như dịch vụ tài chính và hậu cần) để nâng cao chuỗi giá trị. Các cuộc tham vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế vào tháng 6/2023 lưu ý rằng, vẫn còn dư địa tài chính để tăng cường hỗ trợ kinh tế có mục tiêu. Tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và tăng lương cho công chức được trả lương thấp nhất có thể giúp đạt được các mục tiêu công bằng, đồng thời kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.