Sản xuất sản phẩm bán dẫn và cảm biến công nghiệp tại Nhà máy Pepperl+Fuchs (Đức) ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). |
Cú hích Amkor
Ngày mai (11/10), Amkor sẽ khánh thành nhà máy bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh. Chỉ là nghi lễ chính thức, còn thực tế, theo ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Amkor Technology Việt Nam, Nhà máy Amkor đã bắt đầu sản xuất từ tháng 7 vừa qua.
“Đây là một trong những nhà máy tiên tiến nhất của Amkor. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam”, ông Kim Sung Hun nói và cho biết, nhà máy của Amkor, theo kế hoạch, sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, tùy vào việc phát triển quy mô nhà máy, qua đó thúc đẩy kinh tế Bắc Ninh và Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD, Nhà máy Amkor là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ở giai đoạn đầu, Nhà máy sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Có một điểm rất thú vị, đó là nhà máy này được phát triển vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tháng 8/2021, Amkor đã có thư gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị tạo điều kiện để các chuyên gia cấp cao của Công ty tới làm việc. Khi ấy, với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoàn công tác của Amkor đã có được visa để thuận lợi tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, thảo luận và ký kết thỏa thuận triển khai dự án tại Bắc Ninh.
Cuối năm đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, tỉnh Bắc Ninh đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn I cho Amkor, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Và bây giờ, những sản phẩm đầu tiên của Nhà máy đã xuất xưởng.
Có thể nói, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc Amkor tìm tới tận Việt Nam và ký thỏa thuận đầu tư một dự án quy mô lớn đã cho thấy quyết tâm không nhỏ của nhà đầu tư này. Họ đã nhìn thấy những cơ hội lớn của thị trường Việt Nam, nơi mà thời gian gần đây được đánh giá là có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu.
Ngay trước Amkor không lâu, Hana Micron (Hàn Quốc) cũng khánh thành nhà máy bán dẫn 600 triệu USD ở Bắc Giang. Thực tế, giai đoạn I của Nhà máy Hana Micron đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2020 và bây giờ là giai đoạn II.
Tuy nhiên, quy mô của nhà máy sẽ tiếp tục được mở rộng. Bởi theo chia sẻ của ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron, Tập đoàn có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, Hana Micron Việt Nam sẽ có doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD/năm, tạo việc làm cho 4.000 lao động Việt Nam.
“Hana Micron Vina sẽ là cơ sở sản xuất số một trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Hana Micron”, ông Choi Chang Ho cho biết.
Ngoài hai dự án mới trên, Intel cũng đã có nhà máy quy mô 1,5 tỷ USD ở TP.HCM. Marvell cũng đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng lần lượt có các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thâm nhập thị trường ngàn tỷ USD
Sự xuất hiện của Intel, Amkor, rồi Hana Micro, Marvell… đã giúp Việt Nam “gõ cửa” thị trường bán dẫn - vốn đang trong cuộc đua nóng bỏng - thời gian gần đây. Nhưng không chỉ là “gõ cửa”, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để thâm nhập sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu ngành bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, được tổ chức cuối tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn. Là người đã rất nỗ lực trong kết nối và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Bộ trưởng đã chỉ ra các ưu thế quan trọng của Việt Nam. Đó là có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Một đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.
Các ưu thế khác là Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan...; đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Việc Việt Nam - Hoa Kỳ vừa nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới.
Và quan trọng không kém là Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng. “Tất cả đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thị trường bán dẫn toàn cầu, theo ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), sẽ đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong hành trình ấy, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tăng trưởng lớn của ngành.
Nhắc đến Đài Loan, thị trường đang dẫn đầu về sản xuất bán dẫn, ông Clark Tseng nói về cơ hội “Đài Loan + 1”. Điều đó có nghĩa, nếu có chiến lược và kế hoạch đầu tư bài bản, Việt Nam có thể là một thị trường quan trọng bên cạnh Đài Loan và sẽ thâm nhập được sâu hơn thị trường ngàn tỷ USD.
Để hiện thực hóa cơ hội này, ngoài câu chuyện nhân lực, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Boston Việt Nam (BCG) cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải xác định rõ muốn tham gia công đoạn nào, thiết kế, sản xuất hay kiểm nghiệm, đóng gói… “Việt Nam có những lợi thế so sánh về thiết kế vi mạch IC, kiểm nghiệm và đóng gói”, ông Arnaud Ginolin nói.
Theo ông, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược song tuyến để tối đa hóa cơ hội, vừa mở rộng lắp ráp, kiểm nghiệm, vừa thúc đẩy sản xuất vì có lợi thế về địa lý. “Cách tiếp cận song tuyến sẽ có cả cơ hội về ngắn hạn và dài hạn, trong ngắn hạn là phát triển lĩnh vực đóng gói. Ngay cả đóng gói cũng rất xứng đáng để đầu tư”, ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.