Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền. Để giải quyết vấn đề thanh khoản, việc bán bớt tài sản có chiết khấu là lựa chọn khó tránh khỏi.
Nắm bắt xu hướng, một số doanh nghiệp sản xuất đang có động thái mở rộng thêm lĩnh vực bất động sản, bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Mới đây, CTCP Chế biến gỗ Đức Thành thông qua kế hoạch dùng 138 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 28.666,7 m2 đất của cá nhân ông Dương Thế Long tại phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành từng hé lộ kế hoạch lấn sân lĩnh vực bất động sản: “Nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư đang mệt về tài chính, tại sao chúng ta không tận dụng lãi suất thấp của giai đoạn này để mua tài sản mà người ta đang rất cần bán. Tình hình tài chính của Gỗ Đức Thành rất tốt, nên cũng dễ vay”, bà Liễu phát biểu.
Ngoài ra, bà Lê Hải Liễu cho biết thêm, việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định, mà còn có khả năng sinh lời rất lớn nếu chuyển nhượng trong tương lai. Tiêu chí đặt ra là bất động sản đã có sẵn nhà máy và hợp đồng thuê.
Được biết, tại thời điểm ngày 31/3/2024, Gỗ Đức Thành sở hữu 44,59 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 11,3% tổng tài sản. Kể từ khi niêm yết năm 2009 tới nay, nhờ vận hành ổn định 4 nhà máy và 1 cửa hàng trưng bày sản phẩm, Công ty duy trì dòng tiền kinh doanh dương liên tục.
Thực tế, không riêng Gỗ Đức Thành, mà trước đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Sau khi thành lập, đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm quỹ đất có giá trị từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng.
Lý giải việc chọn thời điểm này để mở rộng lĩnh vực mới, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen chia sẻ: “Với tình hình tài chính lành mạnh, Công ty đang có hạn mức tín dụng 17.000 - 18.000 tỷ đồng, nhưng mới sử dụng 5.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay bình quân 2,1%/năm, bởi vậy, chi phí vốn khá rẻ. Chính vì thế, thời điểm này là cơ hội cho Hoa Sen mở rộng lĩnh vực kinh doanh có chọn lọc”.
Liên quan tới thị trường bất động sản, kết thúc năm 2023, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nhiều bộ, ngành đẩy mạnh tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản; các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu, giãn nợ, nhưng quá trình hồi phục vẫn diễn ra chậm hơn kỳ vọng.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản trong hệ thống ngân hàng ước khoảng 2,6%, tỷ lệ chậm trả trái phiếu trên quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể lên đến 30%. Trong đó, giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ “hiện hình”, nhưng lại không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản.
“Những khó khăn ngắn hạn của doanh nghiệp bất động sản giảm bớt, nhưng chưa hề thoái lui”, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh trong đánh giá về triển vọng ngành bất động sản năm 2024.
Có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất chọn thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn để tích lũy quỹ đất, giúp họ mua được giá tốt hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ mang lại thành quả ngay lập tức, doanh nghiệp vẫn phải chờ thời điểm phục hồi của thị trường. Trong lúc này, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mới tạo dòng tiền ổn định để đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp.