Trạm thu phí vẫn phải chia làn do thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện khi tham gia dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: Đức Thanh |
Căng thẳng BOO1
Thông điệp cứng rắn đã được Bộ Giao thông - Vận tải phát ra vào giữa tuần trước liên quan đến đề xuất “dừng cuộc chơi” của nhà đầu tư Dự án Thu phí tự động không dừng giai đoạn I, áp dụng cho các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức BOO (Dự án BOO1).
Cụ thể, sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ Giao thông - Vận tải không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án, hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án, đồng thời yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Trước đó, nhà đầu tư Dự án BOO1 là Công ty CP Tasco và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã có các văn bản số 530/VETC - ĐT ngày 23/10/2019 và 246/TASCO - ETC ngày 5/11/2019, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và thua lỗ lớn trong việc thực hiện Dự án, đồng thời Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư khác để chuyển giao dự án.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu tháng 11/2019, Tasco cho biết là đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả để tiếp tục thực hiện Dự án BOO1 theo hướng chuyển nhượng cho Đèo Cả nắm 70% vốn điều lệ tại VETC là doanh nghiệp dự án.
“Trong trường hợp bổ sung thêm nhà đầu tư vào doanh nghiệp dự án không thể thực hiện được, Tasco đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết các khó khăn hoặc cho dừng hợp đồng BOO1 và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019”, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch HĐTV VETC cho biết.
Được biết, Dự án BOO1 có tổng mức đầu tư 2.036 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2019, dù nhà đầu tư Dự án BOO1 đã cơ bản xây dựng xong thiết bị thu phí không dừng tại 33 trạm, nhưng mới có 11/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ; còn lại 33 trạm chưa ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng.
Không chỉ đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành lắp đặt các làn thu phí tự động không dừng tại các dự án BOT thuộc phạm vi Dự án BOO1 vào ngày 31/12/2019 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lỗ lũy kế của Công ty VETC đến ngày 30/9/2019 đã lên tới 300 tỷ đồng (do tỷ lệ thụ phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch).
Đến nay, nhà đầu tư (Công ty CP Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm, mà không triển khai được các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc có lưu lượng xe và doanh thu lớn thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), doanh nghiệp sẽ phải gánh số lỗ lũy kế từ công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng.
Vướng đủ đường
Cần phải nói thêm rằng, những khó khăn, vướng mắc đã liên tục bủa vây Dự án BOO1 ngay từ khi các bên mới ở vạch xuất phát, trong đó, nặng nhất chính là mức phí dịch vụ mà VETC được thụ hưởng.
Về nguyên tắc, nhà đầu tư dự án cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho các nhà đầu tư BOT và được hưởng mức phí dịch vụ thu phí tự động không dừng trích từ doanh thu thu phí tại các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Theo phương án ban đầu, chi phí dịch vụ thu phí tự động không dừng được trích từ chi phí quản lý thu phí trong Hợp đồng BOT (nhà đầu tư BOT vận hành hệ thống thu phí tự động 1 dừng với mức chi phí khoảng 6% doanh thu thu phí của dự án). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư BOT tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận mức trích chi phí thu phí tự động (bằng 50% chi phí quản lý thu phí trong hợp đồng BOT).
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, với mức chi phí trên, phương án tài chính của dự án không khả thi, dẫn đến tiến độ triển khai dự án rất chậm. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo và tại Văn bản số 1317/TTg - CN ngày 27/9/2018, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh phương án tài chính của dự án theo hướng trích trực tiếp từ doanh thu thu phí của dự án (phương án ban đầu trích từ chi phí quản lý thu phí trong Hợp đồng dự án BOT). Theo tính toán hiện tại, chi phí quản lý thu phí ETC bằng khoảng 80 - 90% chi phí quản lý thu phí ban đầu trong các Hợp đồng BOT.
Như vậy, chi phí quản lý thu phí tự động không dừng nhỏ hơn chi phí quản lý thu phí thủ công đang tính trong Hợp đồng BOT. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng giữa VETC và các nhà đầu tư BOT vẫn rất bế tắc. Các nhà đầu tư BOT thường đưa ra lý do “ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý” để trì hoãn việc ký hợp đồng triển khai dịch vụ thu phí không dừng.
Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng, giảm phí quanh trạm thu phí theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/NQ - CP của Chính phủ) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.
Khó khăn lớn thứ hai đối với VETC là, số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng mới chỉ đạt khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện, do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.
“Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai, nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện”, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải xác nhận.
Tháo gỡ tích cực
Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOO1, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, “sẽ thực hiện quyết liệt giải pháp phân luồng giao thông tại các trạm trên Quốc lộ 1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phí quản lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án.
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ rà soát lại phương án tài chính của dự án để xác định tỷ lệ trích chi phí quản lý thu phí tự động không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý làm cơ sở sớm ký kết hợp đồng dịch vụ. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để triển khai các dự án của VEC.
Cùng đó, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục dán thẻ cho các phương tiện. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Công ty VETC để tăng cường năng lực thông qua phương án bổ sung các nhà đầu tư có năng lực tham gia dự án thu phí tự động không dừng như đề xuất của Công ty VETC. Hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thông qua cổng thanh toán điện tử và một số giải pháp liên thông tài khoản khác nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi được thực hiện đồng bộ, các giải pháp trên có tính khả thi cao, nhưng do thời gian còn lại quá ít (chưa đầy 2 tháng), nên tiến độ thực hiện Dự án BOO1 theo chỉ đạo của Thủ tướng rất khó trở thành hiện thực.
Đối với Dự án giai đoạn II áp dụng đối với các trạm còn lại trên toàn quốc (BOO2), Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, mặc dù việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành từ tháng 5/2019, tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong vẫn chưa hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án.
Trong khi đó, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo (lựa chọn nhà thầu thiết kế, xây dựng, mua sắm thiết bị, ký hợp đồng tín dụng…) lại chỉ có thể tiến hành khi doanh nghiệp dự án được thành lập và vì thế, sự chậm trễ khâu thành lập doanh nghiệp dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của toàn dự án.
“Với tiến độ triển khai như hiện tại, dự án BOO2 cũng rất khó hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Thọ xác nhận.
Hiện nay trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc (82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc), trong đó:
Bộ GTVT quản lý 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).
UBND các tỉnh quản lý 19 trạm (17 trạm trên các tuyến quốc lộ và 02 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).
Toàn bộ các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ áp dụng hình thức thu phí lượt (phương tiện trả phí khi đi qua trạm thu phí), hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc áp dụng hình thức thu phí kín (phương tiện trả phí theo số km thực đi).
Tại Quyết định số 7/2017/QĐ - TTg ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng; đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.