Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ. |
Tồn đọng ngân quỹ quốc gia đang là nút thắt cần được quan tâm tháo gỡ, bên cạnh những chính sách tức thời như giảm thuế, theo phân tích của đại biểu Quốc hội.
Sáng 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ năm, Quốc hội thảo luận tại 19 tổ về tình hình kinh tế, xã hội, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng.
Nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được
Nhận định khả năng cao tăng trưởng GDP năm nay chỉ dưới ngưỡng 6%, Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề cập một nút thắt trong dòng tiền.
Ông Đồng nói, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, đã đứng ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5 này đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
“Đây là một vấn đề nhức nhối, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công’, đại biểu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo đại biểu, thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.
Vị đại biểu là Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội còn lưu ý, tính từ đầu năm tới ngày 17/5, Kho bạc Nhà nước vẫn phải phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước tới 158 nghìn tỷ đồng trong khi mức đáo hạn trái phiếu chính phủ chỉ có 17.000 tỷ đồng, tức mức vay ròng từ nền kinh tế là 141.000 tỷ đồng. Và số tiền này có lẽ vô tình cũng đang tương đương với lượng tiền Kho bạc Nhà nước đấu thầu theo lãi suất thị trường tiền tệ gửi chủ yếu tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.
“Đành là cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không?:”, đại biểu đặt vấn đề.
Nhìn nhận khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, lực cản lớn nhất nằm ở chỗ rủi ro tín dụng đang cao, khiến bên cho vay luôn đòi hỏi một mức bù lãi suất tương đối nếu khách hàng thực muốn vay và chấp nhận vay. Với nhóm khách hàng tốt, có mức tín nhiệm cao, sẽ có khả năng tiếp cận tín dụng với mức lãi suất tốt, nhưng thực tế với bối cảnh kinh tế hiện nay, họ không có nhiều nhu cầu vay mượn.
Mặt khác, sự yếu kém kéo dài tới nay của hệ thống ngân hàng nói chung, dù đã được nhận diện từ rất lâu và đã trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ tái cơ cấu cay đắng, đã cản trở đáng kể các nỗ lực hạ lãi suất.
Cần đề xuất các chính sách tổng thể hơn
Dành phần lớn phát biểu cho môi trường kinh doanh, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đánh giá tại báo cáo của Chính phủ đánh giá "môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện". Sau đó báo cáo đưa ra dẫn chứng của Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU công bố xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý II/2023, trong đó ghi nhận Việt Nam thăng hạng nhiều nhất. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, trong đó 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.
Tuy nhiên, số liệu khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới.
Đặc biệt, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng "môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt" "đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm bớt các điều kiện kinh doannh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh hàng ngàn thủ tục mới. Bộ trưởng cũng cho rằng "đây là vấn đề rất lớn hiện nay, làm cản trở và ách tắc các hoạt động của nền kinh tế”, ông Việt nói tiếp.
Dẫn tiếp khảo sát của VCCI, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" cao đáng kể so với con số 57,4 của năm 2021, ông Việt đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng, thực chất hơn về vấn đề này để sớm có giải pháp hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh.
Hiện nay, doanh nghiệp, người dân rất khó khăn, thu hút đầu tư FDI đang có dấu hiệu suy giảm, thách thức rất lớn, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất là rất quan trọng, có ý nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nói trên, đại biểu Việt nêu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, đề xuất nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn như đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và nhiều chính sách như giãn nợ, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp thuế.
Tuy nhiên, các chính sách này còn rời rạc, tại nhiều văn bản khác nhau, thậm chí ngắt quãng như chính sách giảm thuế 2% thực hiện trong năm 2022, kết thúc ngày 31/12/2022, đến nay sau 6 tháng dừng thực hiện, nay lại đề xuất tiếp tục áp dụng từ 1/7/2023 và chỉ thực hiện đến 31/12/2023.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu có đề xuất các chính sách tổng thể hơn, tương tự như Nghị quyết số 43/2022/QH15 để doanh nghiệp, người dân chủ động trong dự báo, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, có giải pháp hiệu quả vượt qua khó khăn.