Để tháo gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công, cần thiết phải sớm thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn, thủ tục đơn giản hơn, minh bạch hơn. |
Thậm chí, đòi hỏi này ngày càng trở nên cấp bách hơn, khi những năm gần đây, tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công luôn là nỗi lo thường trực.
Năm ngoái (tính đến hết ngày 31/1/2019) cũng mới chỉ giải ngân được 75,8% kế hoạch. Năm nay, theo con số mới nhất vừa được Kho bạc Nhà nước công bố, tính đến ngày 31/5/2019, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 98.800 tỷ đồng, đạt 23,25% kế hoạch Quốc hội giao. Tình hình có vẻ được cải thiện hơn, nhưng so với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 được giao, tỷ lệ trên vẫn rất thấp.
Đó là lý do không chỉ trong các báo cáo thẩm tra, mà trong các phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, chuyện chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc tới rất nhiều.
Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ cũng thừa nhận điều này.
Người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột nên thường xuyên hối thúc chuyện không được để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, rồi “có tiền mà không tiêu được”, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tới tăng trưởng kinh tế... Chưa kể, tiền nằm im đấy, không được sử dụng, nhưng ngân sách vẫn phải gánh các khoản lãi phát sinh…
Hệ lụy là không nhỏ. Thế nên, chuyện quy trách nhiệm cho người đứng đầu và những cơ quan liên quan cũng đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Dù vậy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Nguyên nhân được chỉ ra là do có những vấn đề liên quan đến phân bổ vốn, giao vốn, đến giải phóng mặt bằng, đến năng lực thi công của nhà thầu…
Khi Kho bạc Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công cách đây ít ngày, điều này đã một lần nữa được nhắc tới. Giải pháp được đề cập là phải giao vốn đủ, kịp thời, giao sớm đối với vốn ngân sách; phải có quy trình mới trong giải phóng mặt bằng; còn các chủ đầu tư chuẩn bị cần hồ sơ tốt; các bên phối hợp rút ngắn thủ tục và lãnh đạo địa phương phải quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời vướng mắc…
Thực tế, thời gian gần đây, có nhiều ý kiến nhắc tới những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, khiến quy trình, thủ tục triển khai các dự án đầu tư công kéo dài, tiến độ triển khai dự án chậm hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân và đó là lý do vì sao, Luật Đầu tư công đang được sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm không hẳn là vì Luật Đầu tư công, mà phần nhiều ở khâu thực thi. Trong đó, giải phóng mặt bằng luôn là một trong những vướng mắc cốt lõi nhất.
Bởi thế, để tháo gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công, cần thiết phải sớm thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn, thủ tục đơn giản hơn, minh bạch hơn. Cùng với đó, rất cần sự nỗ lực vào cuộc của các bên, cả chính quyền địa phương, các ban quan lý dự án và đơn vị thi công để từng bước đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Có lẽ, thêm một lần nữa, cần nhắc lại trách nhiệm của những người đứng đầu, nếu còn để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án quy mô lớn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong thời gian gần đây được triển khai nhanh, gọn và hiệu quả có thể là bài học kinh nghiệm tốt cho việc thúc đẩy tiến độ các dự án sử dụng vốn đầu tư công.