. |
Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội chỉ dành một phiên để bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công - một dự án luật có tác động rất lớn đến hoạt động quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công trong cả nước trước khi được các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua trong phiên họp sáng 13/6/2019. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công có ý nghĩa lâu dài nhằm từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đó có việc xử lý dứt điểm căn bệnh giải ngân chậm, giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch diễn ra gần đây.
Trên thực tế, dù liên tục nhận được sự đôn đốc của lãnh đạo Chính phủ, nhưng kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2019 của cả nước mới đạt 18,67% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2018 là 16,93%).
Tuy tỷ lệ giải ngân trên cao hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra, đặc biệt là giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 4,14% kế hoạch (cùng kỳ năm 2018 đạt 6,69%).
Chậm giải ngân vốn đầu tư công tất yếu sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, bởi dòng vốn này “bung” chậm sẽ không có tác dụng kích cầu, kể cả cầu sản xuất và cầu tiêu dùng các sản phẩm được đưa vào tiêu dùng để giá trị cuối cùng được tính vào tăng trưởng. Hơn nữa, vốn đầu tư công còn có tác dụng như nguồn vốn mồi đầu tư vào các khâu, lĩnh vực thiết yếu để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm 5 - 7 đồng vốn trong xã hội, cho nên chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể làm đóng băng nhiều nguồn vốn khác. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Đáng lưu ý là, liên tục từ năm 2016 đến 2018, tốc độ giải ngân đầu tư công đều chậm, không có năm nào đạt kế hoạch, khiến lượng vốn khá lớn dồn lại cho hai năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, năm 2020 còn phải chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo (2020 -– 2025) và vốn phân bổ cho năm 2020 ở những dự án mới sẽ chưa thể tạo ra sản phẩm trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng của giai đoạn hiện nay.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Chính phủ, các bộ, ngành, mà còn là của toàn hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, các đại biểu Quốc hội - những người có nhiều điều kiện theo dõi, giám sát, ghi nhận các ý kiến của các chủ thể tham gia các dự án đầu tư công được triển khai trên địa bàn.
Trên thực tế, bên cạnh một số nguyên nhân được được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ ra như việc phân bổ vốn đầu tư phân bổ chậm; thủ tục thẩm định, điều chỉnh các dự án rườm rà, mất nhiều thời gian; năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, nhà thầu… cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội dành thời gian tục tập trung mổ xẻ, làm rõ những nguyên nhân khác, cũng như quy được trách nhiệm cụ thể của các tập thể, cá nhân liên quan đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công khi thảo luận Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi.
Những nội dung này cũng cần được quan tâm làm rõ trong quá trình đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày mai (22/5/2019) và nhất là khi thảo luận thông qua việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Việc xử lý dứt điểm tình trạng giải ngân chậm, không đạt kế hoạch vào thời điểm này không chỉ có ý nghĩa sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ, mà quan trọng hơn, sẽ góp phần tạo động lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm cuối của kế hoạch 2016 - 2020.