Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Long An. |
Động lực phát triển của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An
Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 15/QĐ-TTg, ngày 7/1/2015 với tổng diện tích 13.080 ha, gồm một phần thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa và huyện Vĩnh Hưng.
Trong KKTCK Long An có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu phụ Long Khốt và quy hoạch nhiều khu chức năng, như: Khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, khu phi thuế quan, khu dân cư đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu vực phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp kỹ thuật cao…
Trong mối liên hệ vùng, KKTCK Long An được xác định là khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An; là đầu mối giao thông vùng TP.HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quốc tế, đầu mối giao thương kết nối với các tiểu vùng sông Mê-kông. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đóng vai trò hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, ĐBSCL thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương Việt Nam - Campuchia.
KKTCK Long An có vị trí thuận lợi, phía Bắc giáp tỉnh Svay Rieng (Campuchia), phía Nam giáp sông Vàm Cỏ Tây, phía Đông giáp huyện Mộc Hóa, phía Tây giáp huyện Vĩnh Hưng. Về giao thông, KKTCK Long An có lợi thế trong kết nối liên vùng và quốc tế thông qua các tuyến Quốc lộ 62, Quốc lộ N1, Quốc lộ N2 và hệ thống giao thông thủy thông qua tuyến sông Vàm Cỏ Tây, kênh Dương Văn Dương đi về các tỉnh miền Tây, kênh Thủ Thừa, sông Bến Lức, Chợ Đệm đi TP. HCM.
Không chỉ có vị trí thuận lợi, KKTCK Long An còn được quy hoạch nằm trên vùng nguyên liệu nông - thủy sản dồi dào thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, nơi được xem là “vựa” nông sản của cả nước, nên có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Đặc biệt, các dự án đầu tư tại đây được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, đến nay, tại KKTCK Long An đã hoàn thành một phần việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, diện tích quy hoạch 68,36 ha). Trong đó, giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào hoạt động khu Trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thủy nội địa... Giai đoạn II của Dự án tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch với việc triển khai xây dựng một số tuyến đường nội bộ. Bên cạnh một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp, tại KKTCK đang dần hình thành các khu vực dân cư, thương mại.
Khu kinh tế cửa khẩu Long An nhìn từ trên cao |
Gỡ nút thắt giao thông để đẩy mạnh thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, KKTCK Long An được hình thành nhằm khai thác các thế mạnh tiềm năng của khu vực về lao động, vị trí kết nối với Campuchia và các tỉnh lân cận vùng Đồng Tháp Mười với chi phí đầu tư thấp và môi trường thiên nhiên ưu đãi.
Đến nay, KKTCK đã thu hút được 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đó là: Dự án của Công ty TNHH Tainan Enterprises Việt Nam (ngành dệt, nhuộm) với quy mô diện tích 16,9 ha; tổng vốn đầu tư 65 triệu USD và Dự án Nhà máy Sản xuất giày nữ thời trang cao cấp của Công ty TNHH Victory International Việt Nam với quy mô diện tích 4,29 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD. Tuy nhiên, việc mời gọi nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Giống như các địa phương trong khu vực Đồng Tháp Mười, dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cùng chính sách ưu đãi đặc biệt, nhưng kết quả thu hút đầu tư vào KKTCK Long An còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 62 và Quốc lộ N2, mặc dù đã có kế hoạch đầu tư trung hạn, nhưng tiến độ còn chậm và quy mô mở rộng còn rất hạn chế, chưa đảm bảo được vai trò kết nối hiệu quả giữa khu vực này với TP. Tân An, các khu vực khác trong tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm khác, đặc biệt là TP. HCM, nên chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.
Quốc lộ 62 là tuyến chính nối TP. Tân An với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời còn là tuyến quốc lộ kết nối nhiều tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Long An, vùng ĐBSCL, TP.HCM; là tuyến đường dẫn đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, giao thương với Campuchia. Tuy nhiên, do đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, đường nhỏ hẹp, chất lượng nền, mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nơi, nên năng lực thông hành nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 62 đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, làm cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa đến KKTCK và các địa phương trong khu vực gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thực tế này làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải ở KKTCK Long An được xem là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp và gián tiếp tới sự tăng trưởng và phát triển không gian của KKTCK. Do đó, Trung ương cần xem xét quy mô mở rộng và đẩy mạnh tiến độ hoặc đầu tư mới các tuyến đường kết nối KKTCK, nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa, giải quyết bài toán áp lực giao thông ngày càng tăng trên tuyến Quốc lộ 62 và Quốc lộ N2 vốn đã xuống cấp từ lâu.
Quốc lộ 62 cùng với các tuyến Quốc lộ N1, Quốc lộ N2 nếu được đầu tư nâng cấp, mở rộng sẽ rút ngắn thời gian đi lại cho các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với TP.HCM, tạo hành lang kết nối không gian KKTCK Long An với các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm của Campuchia. Qua đó, thúc đẩy giao thương kinh tế với Campuchia qua cửa khẩu Bình Hiệp - Prây Vo; tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hiệu quả với các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và hệ thống cảng, logistics trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận với khu vực Đồng Tháp Mười. Từ đó, làm tăng thêm tính hấp dẫn, mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị… tại KKTCK Long An và các địa phương trong vùng.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện còn góp phần thu hút du khách đến với các khu, điểm du lịch nổi tiếng, như: Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Đồng Tháp Mười… và các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khác trên địa bàn; đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương trong vùng Đồng Tháp Mười.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, hiện nay, bên cạnh việc triển khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, Ban đang thực hiện rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung KKTCK theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 360/TTg-CN, ngày 24/3/2021. Theo đó, việc rà soát và định hình các phân khu chức năng trong KKTCK như khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics… theo hướng gắn với việc mời gọi nhà đầu tư cùng quan tâm đề xuất đầu tư nhằm hạn chế tình trạng việc quy hoạch treo, không có nhà đầu tư trong thời gian qua.
Theo đó, tỉnh Long An mời gọi nhà đầu tư cùng nghiên cứu việc đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các phân khu chức năng trong KKTCK, gồm: các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với tổng diện tích 1.249 ha; các cụm công nghiệp Tuyên Bình (75 ha), Bình Châu (61 ha), Vĩnh Bình (75 ha); các khu dân cư với tổng diện tích khoảng 650 ha; khu nông nghiệp sạch, công nghệ cao với diện tích khoảng 1.200 ha…