Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” tổ chức sáng ngày 10/10 |
Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng ngày 10/10, một khả năng đáng chú ý được TS. Cấn Văn Lực đề cập là việc Việt Nam có thể bị loại ra khỏi danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell nếu không đưa ra được giải pháp cải cách thị trường.
“Nâng hạng TTCK gắn với câu chuyện thành lập Trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và TP. Đà Nẵng. Nếu xảy ra trường hợp bị loại ra khỏi danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell thì sẽ rất đáng tiếc, bởi thị trường Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ tháng 9/2018, và hiện nay chỉ còn thiếu 2 tiêu chí”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Do vậy, theo ông Lực, những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán. Trong đó, theo vị chuyên gia này, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính), thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2) như thông lệ tại các thị trường phát triển.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh việc này cần được hoàn thành trong năm 2024, Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 đã đề ra do FTSE công bố định hạng 2 lần trong năm vào tháng 3 và tháng 9.
Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán. Khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ khoảng 2%, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm.
TS. Cấn Văn Lực - Ảnh Trọng Hiếu |
Đối với rủi ro trong thanh toán khi áp dụng, vị chuyên gia này cho rằng điều cần làm là phải đi tìm giải pháp. Trong đó, 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro được TS. Cấn Văn Lực đề xuất. Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót.Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài. Trên thế giới, mức xử phạt có thể lên tới 1.000-5.000 USD, hoặc theo tỷ lệ số tiền.
Biện pháp thứ ba được TS. Cấn Văn Lực chỉ ra là tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định.
“Công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không, tương tự quyền cấp các khoản cho vay tín chấp của ngân hàng thương mại. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, cho phép công ty chứng khoán được tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp nhà đầu tư không thể thanh toán”.
Từ góc nhìn của công ty chứng khoán, ông Vũ Đức Tiến – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, công ty chứng khoán hoàn toàn có thể kiểm soát việc này. Việc giảm tỷ lệ ký quỹ cho các khách hàng không khác gì hoạt động quản trị rủi ro khi cung cấp các khoản cho vay ký quỹ. Do đó, công ty chứng khoán hoàn toàn có đủ công cụ, cách quản trị rủi ro.
Dù đây được xem là một giải pháp có thể tạm gỡ được nút thắt, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán cũng chỉ ra những rủi ro có thể có. Trong trường hợp đặt tiền 100% như hiện tại, không bao giờ xảy ra trường hợp sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán. Nếu áp dụng cơ chế mới thì cần tính đến rủi ro đổ vỡ và đạo đức khi các công ty chứng khoán lạm dụng, dẫn tới đổ vỡ thị trường. Cũng theo đại diện cơ quan quản lý, việc áp dụng bỏ ký quỹ giao dịch cũng cần lựa chọn công ty chứng khoán đủ các tiêu chí cũng như cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tính tuân thủ…
Cũng theo đại diện cơ quan quản lý, cuộc họp chiều nay, 10/10 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về công tác chuẩn bị triển khai gói thầu hệ thống thông tin cũng sẽ đề cập đến nội dung này.