- Hội nghị “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” sẽ khai mạc vào sáng 5/10
- VIMC phát triển chuỗi logistics bền vững
- Quy hoạch trung tâm logistics: Nơi cần không có, chỗ có lại không cần
- Quy hoạch trung tâm logistics: Nơi cần không có, chỗ có lại không cần
- Đồng Nai quy hoạch 4 trung tâm logistics lớn
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group |
Thưa bà, ngành logistics Việt Nam đang bị tắc nghẽn ở những điểm nào?
Từ kinh nghiệm làm ngành logistics trên 20 năm, tôi nhận thấy các điểm nghẽn về logistics hiện nay rất nhiều, nhưng ở đây, tôi chỉ nói về các điểm nghẽn chính và có có khả năng giải quyết được trong thời gian tới.
Điểm nghẽn quan trọng và lớn nhất hiện nay của ngành logistics là quy hoạch. Đây là điểm nghẽn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành. Ví dụ điển hình nhất là việc quy hoạch các trung tâm logistics hiện nay không theo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Có một thực tế đang xảy ra là khu công nghiệp nằm ở một nơi, tất cả hàng hóa, nguồn hàng tiêu thụ nằm ở quanh khu công nghiệp, nhưng địa phương lại quy hoạch trung tâm logistics ở một địa điểm khác. Đây là sự bất cập rất lớn. Có một thực tế là, nhiều địa phương thấy chỗ nào đất trống không ai thuê thì quy hoạch thành đất cho logistics, dẫn đến tình trạng chỗ doanh nghiệp cần thì không có, chỗ không cần thì lại quy hoạch.
Chính vì không quy hoạch đồng bộ hạ tầng logistics, dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước lân cận. Ví dụ ở Singapore, chi phí logistics dưới hai con số, còn ở Việt Nam chi phí logistics trên 20%. Đây là một trong những điểm hạn chế rất lớn khi chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Điểm nghẽn tiếp theo về hành lang pháp lý. Quyết định số 1012/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mới chỉ có định danh trung tâm logistics, nhưng về luật thì chưa cụ thể hóa.
Ngay như doanh nghiệp chúng tôi đang tham gia xây dựng trung tâm logistics tại TP.HCM, khi bắt tay vào làm mới thấy hành lang pháp lý chưa rõ ràng và minh bạch. Chính vì vậy, khi áp dụng vào thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Khi chúng tôi tìm hiểu để làm trung tâm logistics trong quy hoạch thì có trung tâm logistics cấp quốc gia, cấp một, cấp hai, cấp ba, nhưng doanh nghiệp tìm trong các luật thì chưa thấy có định nghĩa về trung tâm logistics. Do không có các định nghĩa rõ ràng, nên nhiều tỉnh, thành phố hiện nay không biết đưa loại đất để làm trung tâm logistics vào dạng nào. Nhiều tỉnh, thành phố thì đưa đất xây dựng trung tâm logistics vào đất công nghiệp, nơi thì tính là đất dịch vụ và kho bãi, nơi thì tính là đất làm bất động sản. Chính vì mỗi nơi áp dụng một kiểu, nên gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Vậy cần giải pháp gì để tháo gỡ những nút thắt này, thưa bà ?
Tôi cho rằng, trước tiên cần tháo gỡ điểm nghẽn về quy hoạch. Phải có sự quy hoạch đồng bộ cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang làm quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021- 2030, thì cần phải quy hoạch đồng bộ giữa quỹ đất công nghiệp tương ứng với quỹ đất dịch vụ logistics và phải quy hoạch các trung tâm logistics ở vị trí phù hợp nhất, hợp lý nhất để tiết kiệm về chi phí vận tải và chi phí thời gian.
Riêng về điểm nghẽn hạ tầng, thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông trên cả nước. Tôi có niềm tin rằng, trong vài năm tới, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông sẽ được giải quyết. Nếu tháo gỡ tốt nút thắt về quy hoạch hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics thì sẽ giải được bài toán giảm chi phí vận tải và giảm được chi phí logistics.
Về hành lang pháp lý, ngành logistics là ngành rất rộng, nếu phân tích ra thì có rất nhiều nhiệm vụ ở trong đó và khi dùng từ logistics khiến các cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị rối. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành chính sách riêng cụ thể, rõ ràng hơn và đưa về một cơ quan quản lý thống nhất, thay vì đưa ra các quy định chung chung liên quan đến sự quản lý của nhiều bộ, ngành, khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện. Nếu có quy định rõ ràng, cụ thể, thì khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm logistics sẽ biết được đất xây dựng kho bãi thuộc dạng nào để doanh nghiệp tính toán các phương án đầu tư hiệu quả.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ nên bóc tách nhóm ngành xây dựng hạ tầng logistics như hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi… ra khỏi nhóm bất động sản thì mới tháo gỡ được nút thắt và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm logistics. Bởi vì hiện nay, việc xây dựng các trung tâm logistics đều quy vào nhóm bất động sản nên bị khống chế bởi room cho vay của nhóm ngành này. Trong khi để đầu tư một dự án trung tâm logistics, nhà đầu tư phải bỏ ra chi phí ban đầu rất lớn rồi thu “bạc cắc” trong vòng 50 năm, chứ không phải là bán một lúc để lấy được tất cả tiền như ngành bất động sản. Chính vì vậy, khi đưa nhóm ngành hạ tầng phục vụ logistics ra khỏi nhóm ngành bất động sản sẽ là “chìa khóa” để mở ra cơ hội đầu tư các trung tâm logistics trên cả nước.
Tôi cũng kiến nghị với những vùng trọng điểm, Chính phủ nên kích cầu đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm hạ tầng phục vụ ngành logistics được tiếp cận vốn vay dễ hơn, bởi vì đầu tư hạ tầng có chi phí rất lớn, trong khi thu hồi vốn lại trải đều trong vòng 50 năm. Hơn nữa, đường sá, cầu cảng, kho bãi là một trong những “mạch máu” của nền kinh tế, bởi vậy, Nhà nước cũng nên có sự kích hoạt để tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư có thể đầu tư vào.
Việc tháo gỡ các điểm nghẽn cần có thời gian. Theo bà, trong khi chờ Chính phủ tháo gỡ thì doanh nghiệp logistics cần làm gì để thích ứng?
Tôi cho rằng, trong khi chờ Chính phủ tháo gỡ các điểm nghẽn cho ngành logistics thì các doanh nghiệp cần có giải pháp linh hoạt để thích ứng với những điểm nghẽn đã tồn tại lâu nay. Riêng với Western Pacific, chúng tôi đưa ra các mô hình phù hợp, linh hoạt như mô hình LIC (Logistics Industrial Cluster) là một trong những mô hình tối ưu mà cá nhân tôi đã nghiên cứu rất sâu và thấy tương đối phù hợp trong tình hình hiện nay.
Được biết, Western Pacific là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển mô hình LIC tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đang đi theo hướng này. Đây có phải là xu hướng của ngành logistics trong thời gian tới hay không?
Như tôi đã nói ở trên, khi quy hoạch logistics chưa đồng bộ và chờ gỡ nút thắt thì thay vì than vãn, chúng tôi luôn cố gắng tìm “cơ trong nguy” để tìm ra đường đi riêng, tôi nghĩ đó mới là giải pháp tối ưu. Mô hình LIC là cụm liên kết ngành giữa logistics và công nghiệp (hay còn gọi là hệ sinh thái) mà doanh nghiệp của tôi đang thực hiện là xu hướng mà các nước phát triển về ngành logistics đã đi rất lâu rồi. Sau khi nghiên cứu từ nước ngoài và từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi thấy rằng, mô hình LIC phù hợp với Việt Nam hiện tại và Western Pacific đang đi theo xu hướng này.
Với một ngôi sao đang lên như Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài và những chính sách vĩ mô tương đối ổn định, một Chính phủ cầu thị để tháo gỡ các nút thắt, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cùng nhau phát triển, tôi thấy rằng, mô hình LIC ít nhiều sẽ giải quyết được vấn đề hiện tại.
Việc đầu tư theo mô hình LIC sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp logistics, thưa bà?
Khi các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái này thì đều được đảm bảo chia sẻ về quyền lợi. Với sự quy hoạch quỹ đất từ đầu để xây dựng nhà máy, trung tâm logistics gần với cảng, sẽ giải quyết được bài toán đầu tiên về chi phí và thời gian vận chuyển.
Chưa kể, nếu ứng dụng đồng bộ về công nghệ số và đồng bộ các hoạt động khác thì sẽ mang lại giá trị rất lớn, giảm được chi phí cho cả hệ sinh thái mà doanh nghiệp sử dụng.
Tôi cam kết, nếu doanh nghiệp sử dụng trọn gói hệ sinh thái của Western Pacific, ít nhất sẽ giảm được 20% tổng chi phí so với sử dụng các dịch vụ đơn lẻ bên ngoài hệ sinh thái này. Bởi vì, với vị trí nhà máy sản xuất nằm gần ngay cảng đã cắt giảm được rất nhiều chi phí về vận tải. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng những giá trị gia tăng khác trong hệ sinh thái chia sẻ.