Xóa bỏ cạnh tranh thiếu công bằng
Trao đổi tại một hội nghị về thu hút và sử dụng vốn FDI vừa được tổ chức tại TP.HCM, TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) nhìn nhận, xét về mục tiêu thu hút FDI thì Việt Nam là một “điển hình” của thế giới. Một trong những minh chứng là sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo như Samsung, Intel, Toyota, Honda… đều đã có dự án sản xuất tại Việt Nam.
Để giữ chân nhà đầu tư, chỉ riêng nỗ lực của địa phương là chưa đủ. Trong ảnh: Nhà máy ABB Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Theo ông Du, thời gian tới, chắc chắn, dòng vốn này sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam. Điều quan trọng là tận dụng nguồn lực này ra sao, hay nói cách khác là tiếp nhận các cơ hội từ vốn FDI thế nào. Muốn vậy, cần làm tốt 2 việc. Trước hết, cần giám sát việc các doanh nghiệp FDI thực hiện các cam kết khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là cam kết về nghiên cứu và phát triển (R&D), về tỷ lệ nội địa hóa… Cùng với đó, có giải pháp để “thúc” các doanh nghiệp FDI bước lên nấc thang giá trị cao hơn, tức là không chỉ tập trung làm gia công, tìm kiếm lợi nhuận, mà còn phải tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Từ nhìn nhận trên, một đề xuất mới được đưa ra trong thu hút dự án FDI trong thời gian tới, mà theo ông Du, là táo bạo. “Đối với các dự án mới, tất cả các tỉnh, thành phố được cạnh tranh công bằng để thu hút đầu tư, nhưng với các dự án đầu tư mở rộng thì phải có chính sách khác”, ông Du nói.
Ông phân tích, hiện có tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng ở một số địa phương, nên nhiều doanh nghiệp FDI khi có ý định mở rộng đầu tư lại “chạy” sang nơi khác để được hưởng ưu đãi cao hơn. Do đó, với các doanh nghiệp đã có dự án sản xuất, khi muốn mở rộng hoạt động thì phải làm tại chỗ, nếu sang địa phương khác thì không được hưởng ưu đãi như dự án đầu tư mới.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong định hướng thu hút FDI, cần loại trừ hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, không vì lợi ích riêng lẻ mà ảnh hưởng tới hiệu quả chung. Vẫn cần tiếp tục thu hút dòng vốn này tập trung vào địa bàn, nhưng có sự kết hợp với ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào địa bàn đó.
Ông Phúc cho rằng, với các địa phương đã có trình độ cao, thì ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển… Với các địa bàn có điều kiện khó khăn, cần tạo điều kiện để thu hút các dự án trong những ngành sử dụng lao động phổ thông, lắp ráp giản đơn trong một giai đoạn nhất định để góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển hướng thu hút vốn FDI sang ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Gỡ các rào cản
Ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương này hiện thu hút được hầu hết các doanh nghiệp “tên tuổi” trong nước đến đầu tư dự án. Chỉ ít ngày tới, một dự án sử dụng công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng sẽ chính thức đi vào hoạt động. Các dự án FDI vào Tây Ninh chưa nhiều, song đáng mừng là chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, để giữ chân nhà đầu tư, chỉ riêng nỗ lực của địa phương là chưa đủ.
Dẫn câu chuyện của cửa khẩu Mộc Bài, ông Thắng cho rằng, để các địa phương có thể thu hút vốn FDI hiệu quả, thì rất cần có chính sách ổn định. Theo đó, khi có chính sách về miễn thuế nhập khẩu, cửa khẩu Mộc Bài chứng kiến cảnh người xe tấp nập, các nhà đầu tư, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đua nhau về làm dự án. Nhưng khi chính sách này không còn, cửa khẩu này trở nên vắng vẻ, nhiều dự án bị… bỏ rơi.
“Cần có sự ổn định về chính sách để làm yên lòng các nhà đầu tư. Họ sẽ giảm được các thiệt hại và địa phương cũng có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội ”, ông Thắng đề nghị.
Trong khi đó, ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho rằng, việc thiếu biên chế cho bộ phận trực tiếp làm công tác thu hút đầu tư nước ngoài là một “rào cản” không nhỏ. Sở này hiện có 4 người làm công tác này, nhưng chỉ tính hồ sơ qua bộ phận một cửa, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 bộ hồ sơ.
“Chúng tôi không đủ sức để làm thủ tục chứ chưa nói đến những chuyện khác. Kêu chuyện này hoài mà Sở Nội vụ cũng chịu, không có cách gỡ”, ông Minh nói và cho biết, với các địa phương như Bình Dương, cần có cơ chế riêng về nhân sự để đảm bảo số lượng và chất lượng công việc. Phải có nhân sự thì mới có thể làm hiệu quả các công việc sau đầu tư, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Vũ Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho rằng, có những quy định chưa được thống nhất khiến không chỉ nhà đầu tư, mà chính các cơ quan chức năng ở địa phương cũng gặp khó. Chẳng hạn, trước đây, sau khi UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, thì sẽ tới bước giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Nhưng hiện nay, phải lập quy hoạch 1/500, nhà đầu tư phải làm các thủ tục thông qua nhiều sở khác như xây dựng, tài chính, tài nguyên và môi trường… “Thêm nhiều thủ tục, nhà đầu tư kêu quá trời, nhưng thực tế, chúng tôi chỉ là một khâu trong quy trình đó thôi”, ông Hùng nói.