Đầu tư
Gỡ rào cản vời đại gia công nghệ cao
Nguyên Đức - 12/05/2015 08:32
Các quy định về tỷ lệ doanh thu và người lao động dành cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) giảm một nửa so với quy định trước đây. Liệu rào cản để thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao đã được gỡ bỏ?

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đang hoàn tất Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xác định doanh nghiệp công nghệ cao (CNC), làm cơ sở hướng dẫn thực hiện Điều 75 Luật Đầu tư sửa đổi, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Theo đó, nội dung quan trọng nhất là Dự thảo Quyết định đã xác định doanh nghiệp CNC là doanh nghiệp phải đáp ứng hai tiêu chí quy định tại điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư sửa đổi và đáp ứng các tiêu chí khác về tỷ lệ doanh thu và lao động dành cho công tác R&D.

Việt Nam chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là đầu tư vào R&D. Ảnh: Hà Thanh

 

Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm CNC của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm. Trong khi đó, tỷ lệ tổng chi cho hoạt động R&D thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm được chia theo hai mức. Với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng và tổng số lao động dưới 300 người (tương ứng với doanh nghiệp nhỏ và vừa), tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1%. Còn nếu là doanh nghiệp khác, phải đạt ít nhất 0,5%.

Tương tự, với quy định về tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện R&D trên tổng số lao động của doanh nghiệp cũng được quy định tương ứng hai mức là 5% và 2,5%.

Như vậy, các tỷ lệ trên đã giảm tới một nửa so với quy định trước đây tại Điều 18 Luật CNC (1% tổng doanh thu và 5% tổng lao động dành cho R&D, không phân biệt quy mô lớn, nhỏ).

Một điểm khác cũng cần lưu ý là, theo quy định trước đây, tỷ lệ doanh thu dành cho R&D được xác định trên cơ sở “tổng doanh thu”, còn theo Dự thảo mới, tỷ lệ này được xác định dựa trên “tổng doanh thu thuần”.

Như vậy, về mặt lý thuyết, phần chi của nhà đầu tư dành cho công tác R&D sẽ giảm đáng kể so với quy định trước đây. Việc các tỷ lệ này được quy định theo quy mô doanh nghiệp cũng được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quy mô lớn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu các quy định này có đủ để gỡ bỏ rào cản, góp phần giúp Việt Nam khuyến khích đầu tư vào CNC, như định hướng của Chính phủ hay không?

Cũng cần phải nhắc lại rằng, thời gian qua, rất nhiều ý kiến của nhà đầu tư cho rằng, mặc dù Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư vào CNC, nhưng quy định tại Điều 18 Luật CNC làm khó doanh nghiệp, khiến ngay cả các tập đoàn “sừng sỏ” như Samsung, Microsoft cũng khó có thể đáp ứng.

Samsung là một trong những nhà đầu tư trong thời gian qua có nhiều kiến nghị nhất về việc điều chỉnh các tỷ lệ về doanh thu và lao động cho R&D. Lý do rất đơn giản, với doanh thu và số lượng lao động hiện thời rất lớn (năm 2014 khoảng 26 tỷ USD và hơn 70.000 lao động), thì chi phí mà họ phải bỏ ra cho R&D là quá lớn, số lượng lao động phục vụ công tác R&D cũng quá nhiều.

Quy định này không chỉ tạo rào cản cho Samsung, Microsoft, Bosch…, mà còn nhiều nhà đầu tư khác, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước. Nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần đề xuất sửa đổi Điều 18 Luật CNC và đã nhận được sự đồng thuận từ Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ. Nhưng đợi sửa Luật CNC sẽ mất thời gian, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc sửa đổi trực tiếp quy định này trong Luật Đầu tư, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đề xuất trên đã được Quốc hội thông qua và ngay sau đó là những phản ứng tích cực của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNC.

Vào thời điểm đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam khẳng định, Công ty hoan nghênh quyết định của Việt Nam về việc thay đổi các quy định rõ ràng và hợp lý về hoạt động R&D đối với các doanh nghiệp CNC. Đại diện các nhà đầu tư lớn như Samsung, Microsoft... cũng bày tỏ sự đồng tình với sửa đổi này.

Phản ứng của giới đầu tư như thế nào đối với Dự thảo Quyết định về tiêu chí doanh nghiệp CNC mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo còn phải chờ đợi, song một điều cần lưu ý là, trong Luật Đầu tư sửa đổi, cũng như trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, đều có quy định về việc doanh nghiệp CNC và doanh nghiệp có dự án quy mô lớn (6.000 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD) được hưởng ưu đãi tương đương nhau. Với quy định như vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn: hoặc được ưu đãi theo dự án quy mô lớn, hoặc theo doanh nghiệp CNC.

Nếu các quy định về R&D là quá cao và chặt chẽ, thì doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án thứ nhất. Nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến định hướng khuyến khích đầu tư vào CNC, đặc biệt là đầu tư vào R&D - một hoạt động được xác định là “thượng nguồn” đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia nhận đầu tư.

Rõ ràng, đây là một bài toán cần tính tới, nếu Việt Nam muốn thu hút FDI vào CNC, đặc biệt là các dự án quy mô lớn của các đại gia công nghệ, như Samsung, Microsoft, LG, Bosch...

Tin liên quan
Tin khác