Tuần qua, kỳ công bố số liệu CPI tháng 9 của Mỹ, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ, nhỉnh hơn con số được dự đoán là 0,3% và 3,6%. Trong khi đó, CPI lõi (loại bỏ giá năng lượng và lương thực)đã tăng 4,1% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng 8, phù hợp với dự đoán.
Đây là bức tranh cho thấy lạm phát đang dần được kiểm soát, nhưng tốc độ giảm không như kỳ vọng. Phản ứng trên thị trường chứng khoán cũng đang tương đồng với quan điểm này. Xác suất của thị trường dành cho kịch bản có thể tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bàng Mỹ (Fed) nhờ đó có sự gia tăng nhẹ, kèm theo đó là phản ứng của chỉ số chứng khoán, chỉ số DXY, lợi suất trái phiếu 10 năm.
Bức tranh hiện nay giống như thông điệp của Fed đã phát đi trước đó “higher for longer” tức là câu chuyện không còn quan trọng là tăng bao nhiêu điểm %, bao nhiêu lần, mà là neo giữ mặt bằng lãi suất hiện tại trong bao lâu.
Với Việt Nam, tuần qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo cuộc họp đánh giá lạm phát trong 3 quý đầu năm. Các bộ, ban, ngành đều có chung quan điểm dự báo lạm phát năm 2023 quanh vùng 3,4% và thấp hơn mục tiêu của Chính phủ 4,5%. Nhờ dư địa này, một số cơ quan chức năng có đề xuất điều chỉnh gía một số hàng hoá do Chính phủ điều tiết như điện, y tế, giáo dục. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải trình phương án tăng giá điện trước 25/10, kỳ vọng giá điện tăng thêm 3-5% và có hiệu lực trong tháng 11 để không phản ánh vào lạm phát năm sau. Với y tế, thì chi phí chăm sóc sức khoẻ có lộ trình tăng giá đi cùng với lộ trình tăng lương cơ bản hàng tháng, Bộ y tế sẽ đệ trình trong tháng 10.
Thông tin đáng quan tâm khác là cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc đánh giá việc thực hiện Quy hoạch Điện VII, sau quy hoạch này, nền kinh tế đang dư thừa công suất của mảng năng lượng tái tạo, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Quy hoạch Điện VIII không nhằm mục đích để khắc phục điều này. Chính phủ đề xuất sẽ có 1 nghị định và 3 thông tư về giá điện bán lẻ, khung giá điện chuyển tiếp cho điện mặt trời và điện gió, cũng như liên quan đến việc mua bán điện trực tiếp.
Số liệu liên quan đến xuất nhập khẩu cũng đã tác động đến triển vọng hồi phục của một số nhóm cổ phiếu. Mặc dù giảm nhẹ so với tháng 8, chủ yếu do yếu tố mùa vụ, nhưng so với cùng kỳ thì đây là tháng đầu tiên tăng trưởng dương trở lại (một phần do nền so sánh thấp cùng kỳ, sự hồi phục mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong nước, trong khi đó doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm). Tính chung số liệu 9 tháng, xuất khẩu Việt Nam giảm 8% so với cùng kỳ, con số 259 tỷ USD do nhu cầu yếu, đề nặng lên lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu giảm mạnh hơn 14%, xuống 237 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại 21,64 tỷ USD là một trong những điểm tích cực quan trọng cho mục tiêu ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như dệt may, gia dày, thuỷ sản có sự hồi phục dần, dù chưa mang lại tăng trưởng dương 9 tháng đầu năm. Sự hồi phục của nhóm xuất khẩu vẫn tiếp tục được kỳ vọng hồi phục trong các tháng cuối năm.
Nửa cuối tháng 10 là mùa kinh doanh quý III, sẽ có những bất ngờ và phải đánh giá lại để nhìn đúng hơn bức tranh kinh doanh năm nay và triển vọng cho năm 2024.
Về thị trường chứng khoán, đóng tuần 1.154,73 điểm, tăng 2,32% so với tuần trước - tuần hồi phục đầu tiên sau 4 tuần điều chỉnh liên tiếp trước đó, mang lại hy vọng thị trường tạo đáy ngắn hạn và nhiều sắc xanh cho tuần sau. Nhưng thanh khoản đang sụt giảm liên tiếp, dù có cải thiện trong tuần qua.
Nếu tin mệnh đề “thanh khoản là bạn của xu hướng” thì rõ ràng, đây là nhân tố đáng lưu tâm, nhất là khi trong chiều tăng của thị trường đầu năm, những giai đoạn suy giảm thanh khoản diễn ra nhanh và kết thúc sớm, nhưng hiện na,y suy giảm thanh khoản đã kéo dài vài tuần và chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng.
Trong ngắn hạn, tín hiệu thị trường trong tuần qua là tích cực khi cung bán suy yếu đáng kể. Sự cân bằng tâm lý cũng khiến thị trường phân hoá, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu có câu chuyện riêng. Chẳng hạn, sự tích cực của nhóm dầu khí, hoá chất, phân bón, khu công nghiệp… vượt đỉnh cũ.
Thanh khoản toàn thị trường suy giảm, nhưng dòng tiền vận động đang cho thấy sự ưu ái tại nhóm Midcap. Nếu mặt bằng thanh khoản không sớm cải thiện, bức tranh phân hoá rõ rệt sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, cơ hội sẽ không dành chung cho tất cả.
Xu hướng thị trường hồi phục và hồi phục phiên cuối tuần cho phép kỳ vọng đà hồi phục nối dài sang tuần tới, nhưng một số cổ phiếu chủ chốt chưa lại nền giá cũ cũng như sự ủng hộ của thanh khoản, thì nhà đầu tư cũng không nên quá tự tin ngay lập tức trở lại nhịp tăng giá mới như nhịp tăng 3 tháng trước đây.
Tuần tới, kỳ cơ cấu quý IV của các ETF nội sẽ công bố vào 16/10/2023, sự quan tâm sẽ tập trung ở quỹ ETF nội đang quản lý gần 20.000 tỷ đồng là Diamond. Các ETF nội sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục trước 3/11, ngoài ra, mùa kết quả kinh doanh quý III cũng nhiều hơn tuần này.
Theo SSI Research, chiến lược đầu tư vẫn là điều kiện đang không phù hợp cho vị thế trading ngắn hạn, cũng như không thích hợp để đẩy tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Nhà đầu tư có thể xem xét tận dụng các nhịp phục hồi hiện có để cơ cấu danh mục theo huớng giảm thiểu rủi ro thị trường, hạ margin quyết liệt và tăng tỷ trọng cổ phiếu có kỳ vọng riêng, ít tính thị trường và giữ được nền giá trước đó.