Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần 24 - 28/7: VN-Index hướng đến mốc 1.200 điểm, cơ hội từ nhóm lương thực, phân bón
- 23/07/2023 11:21
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, VN-Index sẽ hướng đến mốc 1.200 điểm, chiến lược phù hợp là kiểu “du kích”. Nhà đầu tư có thể tìm cơ hội ở nhóm lương thực, phân bón.

VN-Index vượt cản lớn, hướng về mốc 1.200 điểm

Trong tuần áp chót công bố báo cáo tài chính quý II/2023, VN-Index tiếp tục chứng kiến giao dịch bùng nổ khi tiếp tục duy trì thanh khoản trung bình ngày trên 16.000 tỷ đồng. VN-Index đã “xuyên thủng” kháng cự cứng ở vùng 1.175 điểm, đóng cửa cao nhất tuần (1.185,9 điểm) và hướng về mốc 1.200 điểm.

Biến động giá cổ phiếu theo nhóm ngành. Nguồn: FiinPro

Bán lẻ tiếp tục là ngành dẫn dắt đà tăng của VN-Index. Hai mã “trụ” là DGW, MWG có 1 tuần tăng ngoạn mục với tốc độ tăng lần lượt là 11%, 8%. Một “ông lớn” ngành bán lẻ khác là FRT lại cho xu hướng đi ngang sau 7 tuần tăng giá liên tiếp. 

Nguồn: FiinPro

Không đứng ngoài cuộc chơi, khối ngoại và tự doanh đều đã có 1 tuần mua ròng liên tiếp. Khối tự doanh mua ròng 722 tỷ đồng, với 5 cổ phiếu được mua nhiều nhất là VPB, STB, FPT, VNM và HPG. Khối ngoại mua ròng 1.160 tỷ đồng. Các cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là VNM, VHM, HPG, SSI và VIC. Đáng lưu ý sau gần 2 tháng bán ròng thì tuần qua khối ngoại đã mua ròng trở lại với “cổ phiếu quốc dân” - VNM.

Nguồn: FiinPro

Thời cơ cho doanh nghiệp lúa gạo và phân bón Việt Nam

Tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) ngày 20/7 ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường để ứng phó với rủi ro phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Lệnh cấp xuất khẩu này sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành. 

Sau đại dịch Covid-19, cả thế giới phải đối diện với nhiều rủi ro khác như chiến tranh và thiên tai. Đặc biệt với vấn đề thiên tai, năm 2023 được đánh giá là năm nắng nóng, nhiều quốc gia là “cường quốc” lương thực đối mặt với các vấn đề về thiên tai, hạn hán, El Nino… khiến cho việc canh tác các cây lương thực bị gián đoạn. Đặc biệt, tại châu Âu, nơi chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra, cộng với việc 2 quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Nga và Ukraine đang xảy ra xung đột quân sự, điều này khiến cho giá lương thực thế giới liên tục leo thang. 

Giá lúa mì và gạo quay đầu tăng trở lại trong tuần qua. Nguồn: Trading Economics

Tuần qua, giá lúa mì và giá gạo đã quay đầu tăng trở lại. Phản ứng trước những thông tin đó, các cổ phiếu lương thực ở Việt Nam cũng “bốc đầu”, mã LTG tăng 11%, TAR tăng 5%. Kỳ vọng lợi nhuận từ việc giá gạo tăng cao và khan hiếm nguồn cung từ việc đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ dừng xuất khẩu khiến cổ đông cổ phiếu ngành gạo, lương thực đặt kỳ vọng lớn vào các doanh nghiệp như LTG và TAR. 

Giá Urea đã quay đầu tăng trở lại - Nguồn Trading Economics

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cũng nhận định rằng, trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, phân bón là một mắt xích quan trọng. Trong đó phân đạm chính là loại phân bón chính cho các cây lúa mì và lúa gạo. Chính vì vậy, trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới đang đối diện với nhiều rủi ro lớn, giá lương thực tăng cao thì nhóm ngành sản xuất phân bón cũng sẽ được hưởng lợi.

Ngoài ra, các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á đang trong giai đoạn cao điểm của vụ lúa hè thu, nhu cầu phân bón hỗ trợ tăng trưởng đang tăng cao, việc giá phân đạm thế giới tăng giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phân đạm như DPM, DCM được hưởng lợi rất nhiều. 

Fed tăng lãi suất, không chủ quan,song đừng sợ hãi

Sau khi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố số việc làm, và CPI thì tính tới ngày 21/7/2013, theo công cụ CME FedWatch, đã có 99,8% nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên thêm 25 điểm cơ bản vào phiên họp ngày 27/7 sắp tới để tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Nguồn: CME Watch Tool

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, việc Fed tăng lãi suất lên 0,25% là điều được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước. Cho nên, nếu việc này xảy ra sẽ không có quá nhiều tác động,lên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, điều này càng không mối tương quan lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. 

Tuy nhiên, các nhà giao dịch ngoại hối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt quan tâm hơn cả bởi vì áp lực về mặt tỷ giá sẽ tiếp tục bị đè nặng nếu như Fed tiếp tục tăng lãi suất. 

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (SBV), thanh khoản hệ thống đã được tháo nút thắt, các ngân hàng thương mại đã dồi dào dòng tiền trở lại. Điều này khiến cho lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ON, 1 tuần, 2 tuần với VND giảm xuống rất thấp, tiệm cận mức 0%. 

Lãi suất liên ngân hàng USD và VND theo báo cáo ngày 14/7. Nguồn: SBV

Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ON, 1 tuần, 2 tuần với USD được neo ở mức trên 4%. Mức chênh lệch lãi suất này sẽ làm cho các nhà giao dịch ngoại hối có động cơ để vay VND và mua USD trong ngắn hạn để hưởng chênh lệch lãi suất. Nếu mức chênh lệch lãi suất duy trì trong thời gian dài, lực vay VND để mua USD lớn sẽ đẩy tỷ giá USD/VND lên cao. Điều này sẽ gây khó khăn cho SBV trong việc thi hành chính sách tiền tệ, duy trì tỷ giá ổn định.

Có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề tỷ giá nếu như Fed tiếp tục tăng lãi suất và SBV hạ lãi suất điều hành sẽ khiến cho mức chênh lệch lãi suất VND và USD càng lớn, và hành động arbitrage trên thị trường ngoại hối trở nên mạnh mẽ hơn làm tỷ giá tăng mạnh. Tuy nhiên Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, nỗi lo về áp lực tỷ giá là có nhưng không quá đáng ngại như thời điểm tháng 10 năm 2022. 

Hiện tại, tính trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam dương với xuất siêu hơn 12 tỷ USD, vốn FDI 6 tháng đầu năm cũng tăng trở lại, cùng với việc dòng kiều hối vẫn duy trì ở mức ổn định cao. Tính riêng TP.HCM trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối ước đạt 4,4 tỷ USD. Đây là những yếu tố giúp cho Việt Nam có bộ đệm ngoại hối dồi dào để “ứng biến” trên thị trường ngoại hối nếu như tỷ giá USD/VND trở nên quá căng thẳng. Cho nên, có thể thấy rằng, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn là có tuy nhiên không quá đáng sợ như giai đoạn cuối năm 2022. Và nếu tỷ giá có tăng mạnh thì cũng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, SBV sẽ có đầy đủ “vũ khí” để xử lý khi cần thiết.

VN-Index hướng về ngưỡng 1.200 điểm, vẫn cần giữ tâm lý thận trọng

Nguồn: Fireant.vn


Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, tuần qua, VN-Index chính thức phá được kháng cự cứng ở ngưỡng 1.175 điểm. Tính riêng phiên giao dịch cuối tuần, kịch bản lưỡng lự phiên sáng, bùng nổ phiên chiều với thanh khoản thị trường bùng nổ cho thấy một sự lạc quan của các nhà đầu tư trong bối cảnh đã có hơn 400 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 2 năm 2023. 

Theo thống kê từ Wichart.vn, trong số hơn 400 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II có đến 186 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ (chiếm gần 46,5%). 

Thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy một trạng thái ngược chiều. Nhà đầu tư vẫn đang đặt niềm tin lớn vào thị trường chứng khoán cho dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không tích cực. 

Sẽ có 2 kịch bản xảy ra.

Một là, kịch bản tích cực, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư là thật, với niềm tin rằng mọi thứ xấu nhất đã qua và kỳ vọng sự phục hồi của doanh nghiệp ở quý III. Nếu kịch bản này xảy ra, VN-Index sẽ mạnh mẽ hướng về mốc 1.200 điểm, sau đó sẽ đi ngang ở ngưỡng này trong một thời gian dài trước khi chờ đợi kết quả kinh doanh quý III được xác nhận. 

Hai là, kịch bản tiêu cực, giá cổ phiếu chưa phản ánh hết kỳ vọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Tính tới thời điểm hiện tại, còn 1 tuần để các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II và báo cáo tài chính soát xét bán niên.

Nếu kịch bản tiêu cực xảy ra, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, sẽ có một nhịp “rũ” của thị trường khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố đầy đủ. Khi đó, những nhà đầu tư đã đạt mục tiêu lợi nhuận sẽ “thoát hàng”, thị trường sau khi hướng về ngưỡng 1.200 điểm sẽ có những nhịp điều chỉnh đáng kể. Và đây là cơ hội để những ai đang giữ tỷ trọng tiền mặt lớn “gom hàng” và hướng đến kỳ vọng cho sự phục hồi của doanh nghiệp trong quý 3.

Như vậy, dù kịch bản nào xảy ra thì với xu hướng hiện tại, VN-Index vẫn hướng về ngưỡng 1.200 điểm. Chính vì vậy, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS nhận định, chiến lược phù hợp trong tuần tới với các nhà đầu tư là sẽ đánh theo kiểu “du kích”.

Với nhà đầu tư đang “có hàng” có thể lựa chọn thời điểm để “đảo hàng”, “trading T0” để tối ưu hóa lợi nhuận.

Với nhà đầu tư “cầm tiền” quan sát, để tránh tâm lý FOMO có thể giải ngân một tỷ trọng vừa phải và chỉ nên sử dụng tiền mặt vào nhóm các ngành có thể sẽ hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, khủng hoảng địa chính trị như đã đề cập trước đó như LTG, TAR, DPM và DCM. 

Tin liên quan
Tin khác