Thời sự
Bộ Xây dựng phân định trách nhiệm vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng
Quang Hưng - 23/12/2014 08:26
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nữ nạn nhân duy nhất trong hầm thủy điện Đạ Dâng từng gọi tên con trong tuyệt vọng
Giải cứu nạn nhân vụ sập hầm: Lời người trở về từ cõi chết
Diễn biến cứu hộ 12 người trong vụ sập hầm thủy điện Lâm Đồng
Lực lượng cứu hộ lên phương án giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong đêm 18/12.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào sáng ngày 16/12/2014 đã khiến 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm có nguy cơ thiệt mạng.

Dự án Thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo được xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó gồm 2 công trình là công trình nhà máy thủy điện Đa Dâng thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương công suất 14MW, Nhà máy thủy điện Đa Chomo, thuộc xã Phi Tô, huyện Lâm Hà công suất 9MW. Đây là công trình xây dựng thuộc cấp III. Dự án được thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý và được khởi công vào tháng 12/2003. Các chủ thể có liên quan đến dự án này bao gồm:

- Chủ đầu tư công trình ban đầu là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội;

- Nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là Viện thiết kế thủy lợi và điện lực Nam Ninh (Trung Quốc) và Nhà thầu tư vấn thiết kế hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và tư vấn thủy lợi điện lực;

- Nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần tư vấn Nhật Thăng - VNT6;

- Nhà thầu thi công hạng mục hầm dẫn nước thủy điện Đa Dâng, ban đầu do Công ty cổ phần Xây dựng Lũng Lô 2 triển khai, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm (Vinavico) thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm và nay chuyển Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bê tông (đoạn còn lại do Công ty cổ phần Sông đà 10 thi công).

Sự cố sập kết cấu hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng xảy ra tại vị trí cách cửa hầm khoảng 460 mét, với hàng trăm mét khối đất đá sụt xuống lấp kín đường hầm làm ngăn cách, cô lập và có nguy cơ cao thiệt mạng 12 công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang thi công trong hầm. Xác định đây là sự cố nghiêm trọng về chất lượng công trình xây dựng, nên ngay sau khi có thông tin xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác gồm các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm về xây dựng thủy điện của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kịp thời đến hiện trường để cùng các bên xem xét, đề xuất các giải pháp và phối hợp cùng với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan hữu quan chỉ đạo công tác cứu hộ khẩn cấp.

Với mọi nỗ lực cao nhất của các bên liên quan có mặt tại hiện trường, đã áp dụng đồng thời các giải pháp và nhiều hướng tập trung giải cứu, đến khoảng 16 giờ 30 ngày 19/12/2014 các công nhân bị mắc kẹt đã được đưa ra an toàn khỏi đoạn hầm sự cố. Công tác giải cứu đã thành công, tuy nhiên cũng cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm.

Kiến nghị việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm

Trước hết cần đình chỉ việc thi công công trình này, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

Về việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết.

Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm; Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Tin liên quan
Tin khác