Trong tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô, CPI tháng 11 tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Tính tới 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,1 tỷ USD).
Quốc hội thông qua việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Trong tuần, văn phòng Chính Phủ có công văn gửi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Hiện dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Trong tuần qua (ngày 29/11), NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022; đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Với thị trường chứng khoán, sau tháng 10 giảm gần 11%, hầu hết nhóm cổ phiếu ghi nhận tăng giá và cân bằng hơn trong tháng 11. Nhóm chứng khoán, bất động sản, vật liệu cơ bản vẫn là các nhóm có độ nhạy cao với thị trường. Tuy nhiên, màu sắc nổi bật trong tháng là sự suy giảm của thanh khoản.
Trong tuần cuối tháng 11, VN-Index quanh 1.100 điểm nhưng thanh khoản khớp lệnh chỉ quanh 11.000 tỷ đồng/phiên, giảm so với con số bình quân 16.000 tỷ đồng/phiên tuần trước.
Chỉ số VN-Index đóng cửa ở vùng 1.102,6 điểm với thanh khoản ở mức rất thấp, nhưng điểm tích cực là vẫn trên vùng tâm lý 1.100 điểm - xác nhận có 4 tuần liên tiếp tích luỹ biên độ hẹp quanh vùng này.
Thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 65.271,74 tỷ đồng, giảm mạnh 28,9% so với tuần trước, khối lượng giao dịch cũng giảm 28,9%, dưới mức trung bình thể hiện phần nào tâm lý thận trọng khi thị trường duy trì tích lũy kéo dài.
Tuần qua, có 1 số nhóm có diễn biến nổi bật như nông nghiệp với HAG (+13,46%), DBC (+4,58%), LSS (+3,56%) ..., nhóm bất động sản khu công nghiệp như ITA (+7,48%), VGC (+6,15%), GVR (+3,07%)... cảng, vận tải biến với DVP (+10,00%), VOS (+8,70%), HAH (+6,77%)...Bên cạnh đó, dòng tiền đang có xu hướng hướng đến nhóm dầu khí thượng nguồn. Nổi bật có PVD và PVS. Trong đó thông tin tích cực trong tuần cho PVS là việc PVS và PVN ký kết và trao thầu hạn chế cho công ty con PTSC M&C gói thầu EOCI 2 dàn dầu tiếng, lô B Ô Môn, giá trị ước tính 300 triệu USD.
PVD cũng đang có hoạt động tích cực hơn, đi cùng với sự ấm lên của các hoạt động thượng nguồn. PVD mới đây nhận thông báo trúng thầu cung cấp dàn khoan tự nâng PVD III tại Indonesia với 3 năm cam kết, 2 năm tuỳ chọn gia hạn. Dù mới là thông báo trung thầu, thị trường vẫn xem đây là thông tin tức cực cho PVD khi giá trị hợp đồng dài hạn hơn so với giai đoạn trước.
Trong quý 3, tổng số dàn khoan tự nâng là hơn 360 dàn có hợp đồng so với 349 dàn trong quý 3/2022. Giá cho thuê dàn khoan tạo đáy phục hồi trong năm 2023. Tại khu vực Đông Nam Á - thị trường chính của PVD, giá cho thuê dàn đang dao động 90.000-130.000USD/ngày trong tháng 10.
Theo đánh giá của chuyên gia CTCK SHS, VN-Index vẫn đang trong khu vực kiểm định lại ngưỡng 1.100 điểm và đang có nhiều tín hiệu tích cực, với biên độ dao động khá chặt chẽ trong các phiên gần đây thì khả năng Vn-Index test thành công trong cac phiên tới là khá cao.
Trạng thái vận động hiện tại cho thấy dao động của thị trường đang ổn định dần và hình thành nền tích lũy nhỏ có thể tạo nhịp tăng mới. Nhưng cần lưu ý, các nhịp phục hồi vẫn mang tính kỹ thuật bởi VN-Index đã đánh mất xu hướng uptrend và có thể kết thúc bất kì thời điểm nào.
Ý kiến các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường hiện nay không thuận lợi cho giao dịch lướt sóng, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu midcap đang duy trì được xu hướng. Dòng tiền vẫn đảo lớp để tìm kiếm cơ hội nhưng chưa mạnh rõ rệt ở nhóm nào.
Biến động bất ngờ đã giảm đáng kể và sự cân bằng của thanh khoản là tín hiệu tích cực cho thị trường trung và dài hạn - đây là giai đoạn chuẩn bị cần thiết cho tâm lí thị trường, tích luỹ cổ phiếu vùng giá thấp cho. Tuy nhiên, các cổ phiếu được chọn phải có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2023 và nhìn sang 2024.