Rất cần những thỏa thuận hợp tác vì lợi ích chung của đất nước
Rốt cuộc, câu hỏi có hay không tồn tại yếu tố độc quyền thông qua việc ký kết hợp tác chiến lược giữa ba tập đoàn kinh tế nhà nước, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã được Bộ Công thương giao Cục Quản lý cạnh tranh, nghiên cứu.
Mặc dù hạn định cho câu trả lời chính thức không được rõ ràng, và quyết định giao nghiên cứu này của Bộ Công thương diễn ra gần 3 tháng sau khi lễ ký, song đúng như ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nếu không có sự vào cuộc của Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, thì những nghi ngờ từ bản thỏa thuận này là hoàn toàn có lý và không thể giải tỏa được.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp cùng một chủ sở hữu có quyền liên kết với nhau. Có thể lấy ngay hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia làm ví dụ. Dù hoạt động ở địa bàn nào, thì các doanh nghiệp trong tập đoàn đều có sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở chiến lược kinh doanh chung do tập đoàn mẹ chỉ đạo và kế hoạch kinh doanh của riêng mình. Tuy nhiên, việc liên kết này phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý về cạnh để đảm bảo không vi phạm các quy định về cạnh tranh, về tạo vị thế độc quyền gây tổn hại tới thị trường, tới người tiêu dùng…
Áp nguyên tắc này vào việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa PVN, EVN và TKV, có thể thấy, việc các doanh nghiệp bắt tay để phục vụ mục tiêu chung mà chủ sở hữu giao cho là đương nhiên và nếu sự bắt tay này xuất phát từ lợi ích chung của đất nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng cần được nhìn nhận.
Nhưng, sự khác biệt với thông lệ nằm ở chỗ, chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế này là Nhà nước và theo quy định của pháp luật, Bộ Công thương đang là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên của của cả 3 tập đoàn kinh tế này.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh thỏa thuận. Đó là nội dung thỏa thuận của các doanh nghiệp này cụ thể là gì, có vi phạm luật cạnh tranh hay không, vai trò của chủ sở hữu nhà nước trong việc này ra sao…?
Cho tới thời điểm này, thông tin được bàn về nội dung hợp tác mà 3 tập đoàn kinh tế nhà nước này đã ký chủ yếu là việc TKV cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục nguồn than cho các nhà máy điện của PVN, EVN; PVN nỗ lực tối đa trong việc cung cấp khí cho các nhà máy điện của EVN; EVN sẽ đảm bảo cung ứng điện ổn định cho 2 tập đoàn và sẽ mua lại tối đa sản lượng điện của các nhà máy sản xuất điện do PVN và TKV sở hữu…
Ở đây, chưa bàn tới hiệu quả kinh tế của thỏa thuận này đối với từng tập đoàn, song với trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tập đoàn nhà nước do mình làm cấp trên trực tiếp, Bộ Công thương phải có thông tin đầy đủ về thỏa thuận này.
Chính vì vậy, khi Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Công thương diễn ra chiều ngày 6/5, rằng: “Phải có các thông tin đầy đủ, có cập nhật, đánh giá, phân tích… mới khẳng định được là liệu có yếu tố độc quyền hay không”, có thể đặt thêm câu hỏi rằng, phải chăng thông tin của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước vẫn là một khoảng khó tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước và cả đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu đảm bảo các cơ chế quản lý, chính sách điều tiết thị trường được ban hành, thực hiện một cách độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi lợi ích ngành, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước không dễ thực hiện. Điều này tác động tới yêu cầu và mong muốn tạo lập được sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác.
Bảo Duy