. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền gia hạn lên đến 180.000 tỷ đồng và Nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Trên thực tế, số tiền hỗ trợ còn lớn hơn nhiều, thưa ông?
Nếu tính đúng, tính đủ thì số tiền hỗ trợ còn lớn hơn nhiều, vì gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất 5 tháng, trong thời gian gia hạn, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày, như vậy, ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giảm thu đáng kể. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc giảm lãi suất cho vay, khiến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng giảm, NSNN cũng bị giảm thu.
Đồng lòng cùng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp với số tiền giảm lên tới 12.000 tỷ đồng cũng khiến NSNN giảm thu. Các nhà mạng viễn thông cũng chung tay cùng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách đồng loạt giảm giá cước viễn thông cũng khiến thu nhập của nhà mạng bị giảm và thu NSNN giảm theo.
Ông đánh giá quy mô GDP bị tác động thế nào bởi Covid-19?
Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã lan ra hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất, nhập khẩu và đầu tư. Hầu hết các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp như ngành chế biến, chế tạo, du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, giải trí… tác động mạnh đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Chúng tôi đã tính toán sơ bộ, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020, thì GDP năm nay giảm khoảng 55.130 tỷ đồng tính theo giá so sánh năm 2010 (tính theo giá hiện hành thì giảm khoảng 92.618 tỷ đồng). Trong đó, ngành bị thiệt hại lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 21.170 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15.810 tỷ đồng.
Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý III/2020, thì GDP giảm khoảng 65.230 tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010 (theo giá hiện hành giảm khoảng 109.586 tỷ đồng). Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 22.880 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 16.180 tỷ đồng.
Quy mô GDP giảm, NSNN tăng chi, giảm thu, tạo áp lực rất lớn lên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, không chỉ của năm 2020, mà cả giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là việc giảm bội chi, giảm nợ công.
Đối phó với Covid-19, Chính phủ đã nỗ lực hết sức. Theo ông, để vượt qua giai đoạn khó khăn này cần phải tiếp tục làm gì?
Bằng mọi nguồn lực, cả tài chính lẫn nhân lực, thời gian, công sức, Chính phủ đã nỗ lực hết sức để vừa dập dịch, vừa cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng mọi khả năng. Tôi cho rằng, hiện tại, doanh nghiệp, người dân cũng phải chia sẻ khó khăn với Chính phủ, sát cánh cùng với Chính phủ để vượt qua khó khăn “vô tiền khoáng hậu” này.
Thưa ông, doanh nghiệp đã “kiệt quệ” rồi, cùng chia sẻ thế nào đây?
Trong lúc khó khăn, tất cả các thực thể trong nền kinh tế cần phải chia sẻ lợi ích và cùng chung vai, sát cánh. Về phía Chính phủ, NSNN rất eo hẹp, nhưng đã dốc toàn lực để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và người lao động bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Chính phủ đã hết sức nỗ lực, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chung tay với Chính phủ bằng những hành động cụ thể, thiết thực như các nhà mạng, hệ thống ngân hàng thương mại và EVN là những ví dụ điển hình.
Với tuyệt đại đa số doanh nghiệp không có điều kiện như ngân hàng, điện lực, viễn thông..., thì cũng có rất nhiều cách để thể hiện, chẳng hạn đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có thể tự nguyện giảm lương, giảm thù lao, giảm trợ cấp, cắt tiền thưởng tối thiểu là 6 tháng hoặc cho đến khi doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường. Với người lao động có thể tự nguyện giảm một phần lương năng suất, phụ cấp các loại, kể cả lương làm thêm giờ. Như vậy mới công bằng, vì không thể có chuyện doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; được vay vốn với lãi suất thấp; được giảm tiền điện, tiền viễn thông; được hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tiền lương, tiền thưởng, tiền phụ cấp... của đội ngũ quản lý, người lao động vẫn không giảm.
Đại dịch Covid-19 cũng là dịp để doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí, tiết kiệm, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động. Trong lúc này, doanh nghiệp cần nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy trình quản lý, quản trị điều hành; điều chỉnh lại mọi hoạt động để tối ưu nhất, giảm chi phí tối đa, kể cả chi phí văn phòng, điện nước, xăng xe...
Đây chính là cách thức chia sẻ với cả nền kinh tế một cách bền vững, để khi đại dịch qua đi, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.
Còn người dân chia sẻ khó khăn với Chính phủ thế nào?
Trong lúc khó khăn, xã hội phải tạm thời giãn cách, mọi hoạt động không thể vận hành theo cách bình thường, nên người dân chia sẻ bằng cách thực hiện đúng các yêu cầu của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp.
Năm 2008-2009, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, trong đó, Iceland bị suy thoái kinh tế trầm trọng. Ủng hộ lời kêu gọi chia sẻ khó khăn của Chính phủ Iceland, rất nhiều người lao động nước này đã chấp nhận giảm thu nhập, thậm chí người nghỉ hưu cũng chấp nhận giảm lương hưu để chia sẻ gánh nặng tài chính về an sinh xã hội với Chính phủ. Chỉ sau một thời gian, Iceland đã vượt qua khủng hoảng kinh tế, trong khi nhiều quốc gia khác bị suy thoái nhẹ hơn vẫn loay hoay. Đây là bài học rất đáng nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay.