Doanh nghiệp
Gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp - Doping liều cao cho Vietnam Airlines
Bảo Như - 12/08/2020 13:47
Khả năng cầm cự của Vietnam Airlines hiện chỉ tính theo tuần. Làm sao, gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước bơm đến kịp thời giúp doanh nghiệp này hấp thụ được trước khi lâm vào suy kiệt.

Không xuất hiện trong chương trình nghị sự chính thức của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), nhưng thông tin về khả năng bung gói hỗ trợ tài chính của cổ đông Nhà nước để hãng hàng không quốc gia có thể trụ vững, tiến tới phục hồi sau Covid -19 lại là điều được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

.

Cho đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng đeo bám các cơ quan chức năng bằng những thông tin minh bạch, đầy đủ về tình hình tài chính kèm theo những cam kết mạnh mẽ về sử dụng đồng vốn hỗ trợ đúng mục đích, các thông tin phản hồi về gói hỗ trợ mà chủ sở hữu phần vốn nhà nước dự kiến dành cho Vietnam Airlines là khá tích cực.

Hiện Vietnam Airlines đang khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện Đề án về gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Dù đã và đang thực hiện nhiều giải pháp mạnh để đảm bảo duy trì dòng tiền, nhưng khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, trước mắt là khoản vay với lãi suất ưu đãi trị giá 4.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, dù có gần trọn 2 tháng (tháng 6, 7), thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi, nhưng việc dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương với số lượng ca nhiễm tăng mạnh từng ngày kể từ cuối tháng 7/2020 cộng với thị trường hàng không quốc tế không hẹn ngày bay trở lại đã khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền vào cuối tháng 8/2020 với rất nhiều hệ lụy xấu, không loại trừ việc phải dừng khai thác nhiều đường bay nội địa trọng yếu.

Nếu dịch bệnh không bị khống chế sau 1 - 2 tháng tới, thì Vietnam Airlines khó lòng cầm cự dù đã chấp nhận lỗ khoảng 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Cùng với đó, sẽ có 70 - 80% lực lượng lao động kỹ thuật cao, trong đó có cả phi công, kỹ thuật viên mất việc trong dài hạn. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đã có 50% lao động của Vietnam Airlines nghỉ việc luân phiên, nhận lương tối thiểu vùng 4,4 triệu đồng hoặc khoản hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ tan rã một đội ngũ lao động chất lượng cao, mất nhiều kinh phí, công sức để đào tạo là điều khó có thể tránh khỏi.

Khó khăn của Vietnam Airlines cũng là khó khăn của các hãng hàng không trong và ngoài nước. Tính đến đầu tháng 8/2020, toàn bộ doanh nghiệp hàng không trong nước đều phải kiến nghị Chính phủ cho tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn lớn do Covid-19, với tác động trăm năm có một gây ra.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khá nhiều biện pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không như giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm giá dịch vụ cảng hàng không... Tuy vậy, so với thế giới và khu vực, những hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không là chưa lớn dù khó khăn của các hãng bay Việt là tương đồng.

Điều đáng nói là cùng với việc chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho dù có hàng ngàn lao động phải tạm dừng hợp đồng, song rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không như mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa... vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn.

Covid -19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương toàn cầu. Chính vì vậy, việc đầu tiên cần làm là nối lại giao thương để phục hồi tăng trưởng, cả trong và ngoài nước. Hàng không - ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề trong số các nhóm ngành dịch vụ - cần nhận được những chính sách ưu tiên để duy trì hoạt động khai thác, góp phần nối lại những “đứt gãy” do đại dịch gây ra, thúc đẩy chuỗi cung ứng, giao thương, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Vấn đề đặt ra lúc này là ngoài quy mô hỗ trợ đủ lớn, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời các chính sách minh bạch, công bằng về điều kiện nhận hỗ trợ để vừa kích thích tăng trưởng, vừa tránh tình trạng quá trễ khi doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng suy kiệt, không còn khả năng hấp thụ.

Đây cũng là câu chuyện mà các nhà đầu tư lo ngại đối với gói hỗ trợ tài chính của cổ đông Nhà nước (đang chiếm cổ phần chi phối 86,19% tại Vietnam Airlines), bởi khả năng cầm cự của Vietnam Airlines hiện chỉ tính theo tuần, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Tin liên quan
Tin khác