Lý giải chưa hợp lý
Trong hồ sơ mời thầu Gói cung cấp hệ thống máy phát điện dự phòng, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng (BQLDA) yêu cầu, bộ điều khiển của máy phát điện phải “cùng hãng máy phát điện”. Các nhà thầu cho rằng, yêu cầu này vi phạm mục C, khoản 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trả lời nội dung này, đại diện BQLDA Các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng bảo vệ quan điểm, khi dẫn nội dung của Văn bản số 183/BQL-TDA: “Bộ điều khiển cho máy phát điện được hiểu là được cung cấp, lắp ráp đồng bộ cùng với máy phát điện mà nhà thầu chào”. BQLDA cũng cho rằng, họ đã thực hiện đúng quy định tại mục 7, Chương I của hồ sơ mời thầu. Cùng với những lý giải trên, phía chủ đầu tư còn cho biết thêm, họ không thay đổi thời gian mở thầu, bởi công văn của nhà thầu đến muộn so với quy định là 3 ngày.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng vẫn đang trong quá trình xây dựng dù đã khởi công từ năm 2009 |
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai cho rằng, hồ sơ mời thầu không ấn định loại công nghệ và chức năng cụ thể của bộ điều khiển. Sự mập mờ như vậy rất dễ để bộ phận chấm thầu áp đặt những diễn giải chủ quan trong khâu chấm thầu. Theo ông Trọng, “bộ điều khiển của máy phát điện phải cùng hãng máy phát điện” không đồng nghĩa với khái niệm “bộ điều khiển cho máy phát điện được hiểu là được cung cấp, lắp ráp đồng bộ cùng với máy phát điện mà nhà thầu chào” mà chủ đầu tư đưa ra. “Cần phải nhấn mạnh rằng, nghĩa của hai khái niệm này có sự khác biệt rất lớn”, ông Trọng nói.
Khi nhà thầu tiếp tục có ý kiến rằng, tổ máy phát điện gồm “cụm động cơ”, “đầu phát”, “bộ phát điều khiển máy phát điện” và các phụ kiện kèm theo, nên quy định như trong hồ sơ mời thầu phải được hiểu là “cùng hãng máy phát điện” không phải là “cùng hãng sản xuất cụm động cơ” hay “cùng hãng sản xuất đầu phát”. Những diễn giải trên cho thấy, nhà thầu hoàn toàn hoàn toàn có thể sử dụng “bộ điều khiển máy phát điện” khác với hãng sản xuất “cụm động cơ”, hay “đầu phát” và gia công thành tổ máy phát điện mang thương hiệu riêng của đơn vị lắp ráp. Và kết quả của những diễn giải là… nhà thầu Công ty cổ phần Sáng Ban Mai hoàn toàn đáp ứng được các quy định nêu trong hồ sơ mời thầu.
Mặc dù đã có những điều chỉnh như trên, nhưng phía đại diện chủ đầu tư vẫn bảo lưu quan điểm áp hệ số quy đổi cho tổ máy phát điện nhập khẩu nguyên chiếc là 1 và tổ máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam là 1,2. Việc áp hệ số quy đổi như trên là hoàn toàn cảm tính, khi không xét đến các yếu tố thiết bị gốc, công nghệ, tính năng kỹ thuật cụ thể của từng loại hàng hóa. Quan điểm trên của đại diện chủ đầu tư không những tạo lợi thế “một cách thô thiển” cho cho hàng nhập khẩu từ các nước G7, EU, mà còn không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khuyến khích sản xuất trong nước.
Sẽ hủy thầu nếu có sai sót
Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Đầu tư (chiều ngày 26/5), ông Ngô Thái Chân, Chánh văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau những phản ánh của báo chí, UBND tỉnh đã ghi nhận và đang tiến hành nghiên cứu các ý kiến của nhà thầu về những bất hợp lý của Gói thầu số 73 Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Hiện tại, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc thực hiện gói thầu nói trên. “Chúng tôi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại toàn bộ quá trình đấu thầu”, ông Chân cho biết.
“Quan điểm của tỉnh Sóc Trăng là, đấu thầu phải minh bạch, để cho các nhà thầu đều có thể tham gia. Theo Luật Đấu thầu, thì quyết định phê duyệt gói thầu thuộc chủ đầu tư. Trong dự án này, BQLDA Các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng có thẩm quyền duyệt hồ sơ mời thầu và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót. Trong tuần tới, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến trả lời, UBND tỉnh sẽ có kết luận chính thức”, ông Chân nói.
Hiện gói thầu này đã mở và đang trong quá trình chấm thầu, nhưng nếu phát hiện ra sai sót và hủy thầu, thì sẽ để lại hệ quả không hề nhỏ. Bởi ngoài công sức, thời gian để tiến hành lại các bước đấu thầu, tiến độ thực hiện toàn dự án sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, việc chậm tiến độ có thể dẫn đến hiện tượng trượt giá làm cho dự án bị đội giá so với dự toán ban đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng cần thông tin thêm, Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng Dự được khởi công từ tháng 12/2009 (dự kiến hoàn thành vào năm 2014), với quy mô 700 giường bệnh (dự kiến sẽ là 1.200 giường trong tương lai) có tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, nhưng cho đến này, tổng mức đầu tư đã đội lên 1.600 tỷ đồng. Nguyên nhân được tỉnh lý giải là do thiếu vốn, thời gian thực hiện kéo dài dẫn tới đội vốn do trượt giá chứ quy mô dự án không đổi, giữ nguyên quy mô các hạng mục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi UBND tỉnh Sóc Trăng đưa ra kết luận.