Đầu tư
Gói thầu cung cấp thiết bị Xổ số kiến thiết Cần Thơ cho hàng Việt "ra rìa": Chủ đầu tư lý giải thiếu thuyết phục
Ngọc Tuấn - 06/06/2016 14:45
Trong bài “Sạn và bẫy đá văng hàng Việt trên sân nhà”, đăng tải trên Báo Đầu tư số 62 (ra ngày 23/5) đã nêu những bất cập tại gói thầu “Cung cấp, lắp đặt trạm biến áp và máy phát điện” do Công ty TNHH nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, đại diện chủ đầu tư dự án đưa ra những lý giải, song nội dung lý giải còn thiếu thuyết phục.

Lý lẽ quanh co

Hồ sơ mời thầu gói thầu nói trên yêu cầu phạm vi cung cấp hàng hóa là máy phát điện được nêu cụ thể là “hàng mới 100%, nguyên đai nguyên kiện, máy có vỏ cách âm, nhập khẩu đồng bộ chính hãng”.

Với yêu cầu này, bên mời thầu loại bỏ ngay từ đầu nhà thầu cung cấp tổ máy phát điện sản xuất, lắp ráp trong nước. Việc này trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi UBND TP. Cần Thơ đưa ra kết luận về Gói thầu cung cấp thiết bị cho Xổ số kiến thiết Cần Thơ.

Lý giải về “hạt sạn” này, ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ cho biết, do dự án có quy mô công trình cấp I nên đòi hỏi tổ máy phát điện phải có chất lượng để vận hành liên tục, công suất ổn định, do đó đơn vị tư vấn đấu thầu mới đưa yêu cầu nói trên vào hồ sơ mời thầu.

Mặt khác, tổ máy phát điện sản xuất, lắp ráp trong nước tuy được Bộ Công thương đưa vào Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, nhưng không tin cậy và chưa được công khai, quảng bá rộng rãi. Chủ đầu tư không biết thông tin và nghi ngại về chất lượng.

“Dự án có tính chất quan trọng, bởi đây là dự án lớn đầu tiên của TP. Cần Thơ. Chủ trương của Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ là phải làm chất lượng tốt. Quan trọng nhất là phục vụ hoạt động kinh doanh xổ số. Cái cơ bản của kinh doanh xổ số là khâu quay số, mà điện là ưu tiên số một, nếu khi đang quay số xảy ra mất điện mà máy phát điện dự phòng trục trặc là chết”, ông Bình lý giải.

Về phía đơn vị quản lý dự án, ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Thành Công, phân bua: “Chúng tôi chỉ nêu trong hồ sơ mời thầu là nhập khẩu chính hãng, còn cụ thể của hãng nào, sản xuất tại nước nào cũng được. Nội dung này không trái với Nghị định 63/2014/NĐ-CP”.

Ông Thành nhấn mạnh thêm, ngoài tính chất quan trọng của Dự án, thì do nằm trong khu dân cư nên đòi hỏi phải giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Ngoài ra, trong “Danh mục máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được”, không có sản phẩm tổ máy phát điện có công suất lên tới 1.500 KVA, nên đơn vị tư vấn đề xuất chọn hàng nhập khẩu.

Phân biệt đối xử với hàng Việt?

Liệu chủ đầu tư có phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước? Chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị tư vấn đấu thầu gói thầu này chưa hiểu hết những quy định của pháp luật đấu thầu, hay cố ý diễn giải theo chiều hướng tạo lợi thế cho hàng ngoại? Câu trả lời sẽ có khi tới đây, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc kiểm tra quá trình đấu thầu tại gói thầu này và đưa ra kết luận.

Tuy nhiên, khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về lập hồ sơ mời thầu đã chỉ rõ “hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa…”. Để hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT. Theo đó, tại mục C, khoản 5, Điều 3 thông tư này cũng đề cập “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 228/TTg-KTN, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT-TTg để chấn chỉnh việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu “trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể xuất xứ hàng hóa, cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc…” để đảm bảo thúc đẩy sản xuất hàng nội địa.

Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật trên, sẽ thấy sự “đánh tráo khái niệm” trong cách diễn giải xuất xứ hàng hóa của chủ đầu tư. Luật quy định hồ sơ mời thầu không được nêu “xuất xứ cụ thể”, thì chủ đầu tư cho rằng hồ sơ mời thầu ghi “nhập khẩu đồng bộ chính hãng” là không vi phạm, bởi chỉ có nêu nhập khẩu cụ thể từ EU, G7, Nhật Bản, Trung Quốc… thì mới là nêu xuất xứ cụ thể.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc hồ sơ mời thầu yêu cầu hàng “nhập khẩu đồng bộ chính hãng” đồng nghĩa đã chỉ ra nhà thầu phải cung cấp tổ máy phát điện có xuất xứ nước ngoài. Yêu cầu này đã loại bỏ hoàn toàn hàng sản xuất trong nước. Hệ quả là chủ đầu tư đã dựng lên hàng rào bằng điều kiện nhập khẩu nhằm loại bỏ sự tham gia của các nhà thầu cung cấp hàng sản xuất trong nước, tạo lợi thế cho nhà thầu cung cấp hàng nhập ngoại. Điều này đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về lý do chủ đầu tư đưa ra vì tính chất quan trọng của dự án (là dự án cấp I) nên phải dùng hàng nhập khẩu, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai cho rằng, lý do này thiếu thuyết phục, bởi không có điều luật nào quy định công trình quy mô cấp I thì phải dùng hàng nhập khẩu, không dùng hàng sản xuất trong nước.

Nếu cho rằng “công tác quay số có tính chất rất quan trọng” như lời vị lãnh đạo Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ nói, thì còn rất nhiều công trình có tính chất quan trọng hơn, như các trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học… Nếu tất cả các công trình đó đều yêu cầu hàng nhập khẩu đồng bộ sẽ chẳng còn cửa cho hàng nội. “Chúng ta cần loại bỏ tâm lý sính ngoại trong đấu thầu để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước”, ông Trọng nói.

Ông Nguyễn Trung Thành thừa nhận, việc yêu cầu máy phát điện nguyên đai nguyên kiện, vỏ cách âm, nhập khẩu đồng bộ là từ phía Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Thành Công.

“Nếu các cơ quan quản lý bảo sai thì chúng tôi chịu, nhưng trong thâm tâm chúng tôi cho rằng, mình không sai vì không định hướng đến nhà thầu nào. Vì hàng hóa sản xuất trong nước không đáp ứng được nên đơn vị quản lý dự án chọn hàng nhập khẩu”, ông Thành nói.

Trên thực tế, đã có hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị dùng nguồn vốn ngân sách có biểu hiện tương tự, đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “tuýt còi” như gói thầu số 3, Dự án Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai, gói thầu số 4 Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, gói thầu 5 Dự án Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long…

Tin liên quan
Tin khác