Gọi vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào ngành điện là một trong những chủ đề quan trọng của Diễn đàn cấp cao về năng lượng 2020. |
Điện cần vốn khủng
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng 2020, triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam cần huy động thêm khoảng 5.000 MW từ nay tới 2025, mỗi năm cần rót thêm 7-10 tỷ USD đầu tư các dự án nguồn điện, chưa kể các dự án truyền tải.
Còn Báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đã chỉ ra, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030.
Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn 2018 - 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.
WB tính toán, từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, là doanh nghiệp tư nhân sớm tham gia các dự án nguồn điện và truyền tải, ông khẳng định, tư nhân có thể làm được nhiều điều hơn trong phát triển năng lượng. Đơn cử, Trung Nam Group xây dựng được một đường dây 500 kV chỉ mất 7 - 8 tháng, giải phóng mặt bằng 700 ha chỉ mất 45 ngày. Trong khi, EVN để triển khai một dự án như vậy có thể phải mất tới 4 năm.
Ông Tiến khẳng định, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “đòn bẩy” để tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Nghị quyết cũng đã tạo điều kiện xóa bỏ độc quyền và rào cản để tư nhân tham gia vào mảng năng lượng, trong đó có truyền tải.
“Dù có “đòn bẩy” rồi, nhưng chưa có đủ cơ chế, hành lang pháp lý… thì doanh nghiệp cũng sẽ không làm được”, ông Tiến nói và khẳng định, để huy động được nguồn lực đầu tư cho năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, cơ chế giá điện phải hấp dẫn và mang tính thị trường hơn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, vẫn còn nhiều vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực.
Để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ trưởng cho rằng, phải tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, có như vậy mới đánh thức được tiềm năng của khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào ngành điện.
Còn phụ thuộc nhập khẩu
Nghị quyết 55 đã chỉ ra hàng loạt yếu kém của ngành năng lượng, trong đó, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, do các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là một sức ép, bởi trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt. Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn, nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành.
Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực và Chính phủ đang tập trung sửa luật liên quan, xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển nguồn điện, hệ thống truyền tải...
Đáng chú ý, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tháo gỡ các vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào ngành năng lượng; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, xóa bỏ độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Việc triển khai Nghị quyết 55 chính là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng trong nước, từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến đầu tư sản xuất, thương mại, thị trường, từ đó không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn tính đến xuất khẩu sang các quốc gia khác. Bởi vậy, tầm quan trọng của Nghị quyết 55 mang lại nhiều ý nghĩa hơn nữa, chúng ta cần phát triển theo hướng đó. Phải coi đây là cơ hội để cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình theo hướng xanh sạch, giảm khí thải. Đây là thời cơ để chúng ta vừa tận dụng vừa cơ cấu lại để phát triển mạnh mẽ hơn.
Phải cải cách thị trường năng lượng.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Điều quan trọng phải cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo tính linh hoạt, khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định và tiên liệu được các diễn biến, đồng thời đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người đóng thuế.