Chuyển đổi số - Kinh tế số
Gojek tham chiến, thị trường gọi xe công nghệ cuộn sóng
Hữu Tuấn - 23/05/2021 10:02
Thị trường gọi xe công nghệ sẽ nóng bỏng với sự tham gia và cạnh tranh mới của Gojek.
Gojek đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô ở TP.HCM với tên gọi là GoCar

GoCar rậm rịch ra mắt thị trường

“Chúng tôi đã có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng bằng ô tô ở TP.HCM và đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô ở TP.HCM với tên gọi là GoCar. Dịch vụ này đang trong những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi chính thức hoạt động”, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Gojek cho biết, đã đến thời điểm phù hợp để bắt đầu triển khai dịch vụ gọi xe ô tô sau thời gian hiện diện và có được “một nền móng vững mạnh, phát triển hệ sinh thái đủ lớn”. Hệ sinh thái mà Gojek nhắc tới là các dịch vụ chở khách (GoRide), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn trực tuyến (GoFood). Nền móng là việc Gojek đang kết nối hơn 200.000 đối tác tài xế và hàng chục ngàn nhà hàng, quán ăn với hàng triệu khách hàng.

“Chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ gọi xe ô tô ở TP.HCM trước, Hà Nội sau. Trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán thẻ. Sau khi phát triển đủ mạnh, xây dựng nền móng đủ sâu ở hai thành phố lớn này, chúng tôi sẽ mở rộng tới các thành phố khác”, đại diện Gojek cho biết.

Gojek đang ráo riết tuyển dụng tài xế, phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức một lớp tập huấn về các quy định pháp luật cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Chia sẻ thêm về việc tung dịch vụ vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại xuống thấp, Gojek cho rằng, Việt Nam là thị trường lớn, tốc độ phát triển nhanh nhất nhì Đông Nam Á và thị trường này sẽ duy trì tốc độ phát triển rất tốt trong thời gian tới. Trong bối cảnh Covid-19, cơ hội dành cho nền kinh tế số của khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đang mở rộng hơn bao giờ hết. Theo một báo cáo của Google và Temasek năm 2020, cứ 3 người dân thì có một người mới lần đầu tiên sử dụng các dịch vụ số kể từ khi có Covid-19 và 94% những người mới này có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ số sau khi đại dịch qua đi.

“Việc đi trước hay sau không quan trọng bằng việc ai đi được đường dài. Thị trường vẫn rất lớn và đủ chỗ cho nhiều người chơi.Các dịch vụ gọi xe sẽ còn phát triển rất nhanh. Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới”, ông Đức nhận định.

Chiếc áo sẽ chật hơn rất nhiều

Những tưởng Covid-19 sẽ làm chùn bước chân nhiều đại gia công nghệ trong lĩnh vực gọi xe, nhưng thực tế, trong một diễn biến mới, sàn thương mại điện tử Lazada đã lấn sân dịch vụ gọi xe công nghệ qua việc hợp tác cùng dịch vụ gọi xe là CDG Taxi tại thị trường Singapore. Trong khi đó, Hãng hàng không AirAsia cũng đang lên kế gia nhập mảng gọi xe công nghệ.

Tại Việt Nam, sau quãng thời gian đốt tiền giành thị phần, hiện lĩnh vực ứng dụng gọi xe hầu như chỉ còn 3 ông lớn là Grab, Be, Gojek (chiếm tới 99,3% thị phần cả nước).

Theo Báo cáo mới nhất của ABI Research, về thị phần, Grab chiếm 74,6%, Be chiếm 12,4%), Gojek chiếm 12,3%. Những cái tên khác như FastGo, MGo, Vato, viApp, GV Taxi… không thể chen chân, cạnh tranh nổi tại sân chơi đốt tiền này.

Có vẻ như cuộc chơi trên thị trường gọi xe công nghệ đã ngã ngũ. Cuộc cạnh tranh hiện tại giữa 3 ông lớn Grab, Gojek và Be sẽ là cuộc chiến về tài chính và công nghệ. Theo đó, ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ phát triển thành các siêu ứng dụng với hàng chục tính năng, dịch vụ, sản phẩm khác nhau.

Theo ông Đức, công nghệ chính là vũ khí quan trọng nhất. Xét cho cùng, cuộc chiến trong ngành siêu ứng dụng vẫn là cuộc chiến về công nghệ.

“Công nghệ ưu việt của Gojek đã được chứng minh khi chúng tôi gọi được vốn từ các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi ở nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực vận tải hay thương mại điện tử. Chúng tôi luôn quan sát xem thị trường có nhu cầu nào để tập trung mang đến công nghệ tốt nhất đáp ứng nhu cầu đó của thị trường. Công nghệ chính là chìa khóa giúp Gojek thành công trong suốt 10 năm qua và tạo đà cho nhiều thành công trong tương lai", ông Đức chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam thì cho rằng, vũ khí cạnh tranh của các siêu ứng dụng không phải là tiền, mà là chất lượng. Cần chất lượng dịch vụ đa dạng cho khách hàng, chất lượng trải nghiệm thú vị và thuận tiện cho khách hàng, chất lượng sản phẩm công nghệ với đối tác…

Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group chia sẻ, Be tiếp cận khác với các đối thủ cạnh tranh. Thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng, Be xây dựng nền tảng mở, trở thành một nhà cung cấp dịch vụ di động cho phép người dùng lập kế hoạch, thanh toán nhiều loại dịch vụ trên một nền tảng. Be vẫn kiên trì với mảng dịch vụ 4 bánh, thực hiện chiến lược này bằng việc mở rộng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp vận tải khác trong nước, mở hệ sinh thái số và sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp khác cùng hợp tác và phát triển.

Có vẻ như cuộc chiến trên thị trường ứng dụng gọi xe sẽ bước sang một giai đoạn mới, khi Gojek bước chân vào dịch vụ 4 bánh và phát triển thành siêu ứng dụng. Cuộc chiến hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và khốc liệt, bởi cả 3 đều giàu kinh nghiệm, tài chính và công nghệ.

Bên cạnh GoCar, Gojek sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Được biết, Gojek Việt Nam đã hoàn tất việc thâu tóm Công ty TNHH Dịch vụ thanh toán WePay. Ông Đức và một nhân sự cấp cao của Gojek tại Singapore là ông Pablo Malay lần lượt giữ chức Tổng giám đốc và Chủ tịch WePay. Địa chỉ trụ sở chính của WePay sau đó cũng được thay đổi, trùng với văn phòng của Gojek tại Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác