Trước đó, Google bị Pháp xử phạt 267 triệu USD vì lạm dụng vị thế thống trị quảng cáo trực tuyến. Ảnh: AFP |
Thông tin trên được Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) đăng tải hôm 8/7. Động thái nhượng bộ này của Google nhằm đưa hoạt động kinh doanh quảng cáo về Công ty mẹ Alphabet quản lý.
Đề xuất trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong bức tranh quảng cáo trực tuyến, nhưng Google vẫn là "tay chơi lớn". Mặc dù được biết đến nhiều nhất với công cụ tìm kiếm khổng lồ, nhưng hoạt động kinh doanh chính của Google là quảng cáo trực tuyến. Năm 2021, Công ty mẹ Alphabet ghi nhận doanh thu 257 tỷ USD.
Hiện chưa rõ, đề xuất tách bạch mảng quảng cáo của Google có nhận được sự ủng hộ của Bộ Tư pháp Mỹ hay không.
Ông Jonathan Kanter, người đứng đầu lĩnh vực chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, đã cương quyết rằng ông muốn đưa vụ việc ra tòa hơn là chấp nhận dàn xếp.
Trong một bài phát biểu trước Bộ phận chống độc quyền của Hiệp hội Luật sư bang New York vào đầu năm, ông Kanter từng nhấn mạnh rằng các ý kiến của tòa án được công bố là rất quan trọng để thúc đẩy luật chống độc quyền.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ theo đuổi các biện pháp khắc phục chứ không phải dàn xếp. Chúng tôi không thể thỏa hiệp nếu có vi phạm pháp luật", ông Kanter khẳng định.
Thế nhưng, theo thông tin mà Bloomberg có được từ các nguồn tin giấu tên hồi tháng 5, ông Kanter đã bị cấm tham gia các cuộc điều tra độc quyền liên quan đến Google trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đang xác minh liệu quan chức này có công minh trong thực thi chức trách bởi ông từng có thời gian làm việc cho các đối thủ của Google.
Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ chưa xác nhận thông tin này. Nhưng khả năng cao các đồng nghiệp của ông Kanter - những quan chức đang dẫn đầu cuộc điều tra Google - sẽ đề cao quan điểm xử lý vụ việc của ông Kanter nếu có vi phạm pháp luật.
Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho hay, Google có thể đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền mới đối với hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo của mình ngay trong mùa hè này. Về vấn đề này,người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối bình luận trên đài CNBC.
Trong khi đó, người phát ngôn của Google khẳng định: "Chúng tôi đã hợp tác một cách xây dựng với các cơ quan quản lý để giải quyết các mối quan ngại của họ". "Như chúng tôi đã đề cập trước đây, chúng tôi không có kế hoạch bán hoặc rút khỏi mảng kinh doanh này (kinh doanh quảng cáo - BTV) và chúng tôi cam kết sâu sắc cung cấp giá trị cho các đối tác là các nhà xuất bản và nhà quảng cáo trong lĩnh vực cạnh tranh cao này".
Theo Wall Street Journal, đề xuất tách mảng kinh doanh quảng cáo của Google bản chất là vẫn giữ mảng kinh doanh này cùng một chủ sở hữu - công ty mẹ Alphabet - mà không phải là "dứt áo" hoàn toàn. Mặt khác, người phát ngôn của Google đã từ chối đề cập cụ thể đến nội dung này.
Được thành lập năm 2015, Alphabet về cơ bản đây là công ty mẹ của Google, nhưng "gã khổng lồ" tìm kiếm là đòn bẩy tăng trưởng của công ty mẹ khi mà tạo ra gần như toàn bộ doanh thu và lợi nhuận cho Alphabet.
Trước đó, Google đã tách mình ra khỏi các doanh nghiệp mà họ tham gia đầu tư như Công ty xe tự lái Waymo và Công ty khoa học đời sống Verily, nhưng vẫn giữ các công ty này trong hệ sinh thái của Alphabet.
Google liên tục dẫn đầu thị trường về quảng cáo trực tuyến trong hơn một thập kỷ. Trong vài năm trở lại đây, "gã khổng lồ" tìm kiếm đã tích cực xây dựng và thâu tóm một loạt công cụ công nghệ quảng cáo, giúp các nhà xuất bản nội dung kiếm tiền nhờ quảng cáo và cho phép người mua quảng cáo tìm kiếm đối tượng họ muốn trên Google Search, YouTube, Maps và các website khác.
Nếu dính vào một vụ kiện mới, Google sẽ thêm đau đầu bởi những thách thức pháp lý của họ vốn đã rất lớn.
Trước đó, vào năm 2020 Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Google vì đã vi phạm quy định chống độc quyền. Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện một cáo buộc chống độc quyền nghiêm trọng cấp liên bang đối với Google tại Mỹ.
Chưa hết, Google cũng đối mặt với các vụ kiện riêng biệt do các liên minh lớn của các tổng chưởng lý cấp bang, bao gồm cả liên minh do tổng chưởng lý bang Texas dẫn dắt với cáo buộc Google độc quyền bất hợp pháp trên thị trường quảng cáo trực tuyến.
Ở bên ngoài nước Mỹ, Google cũng rơi vào tầm giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, đáng chú ý nhất là ở châu Âu, nơi mà Google bị buộc trả nhiều khoản phí cạnh tranh, bao gồm một khoản phí liên quan đến dịch vụ so sánh giá cả mua sắm mà tòa án châu Âu đã phê chuẩn.
Tháng 6/2021, Cơ quan giám sát cạnh tranh Pháp đã tuyên phạt Google 220 triệu EUR (tương đương 267 triệu USD) vì lạm dụng thế mạnh của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến.
Phía Pháp khẳng định Google đã kinh doanh các dịch vụ không công bằng và phân biệt đối xử đối với các đối thủ, bằng cách ưu đãi cho máy chủ quảng cáo DFP của họ, cho phép các nhà xuất bản nội dung trên website và các ứng dụng bán không gian quảng cáo của họ và nền tảng SSP cho phép trực tiếp tham gia vào hoạt động đấu giá quảng cáo theo thời gian thực RTB.
Với cách thức hoạt động như vậy, Cơ quan giám sát cạnh tranh Pháp cho rằng, các đối thủ của Google và các nhà xuất bản nội dung là đối tượng chịu hậu quả. Cơ quan này cũng cho biết Google đã đồng ý nộp mức phạt trên và chấm dứt một số hoạt động ưu đãi của họ.
Ba tháng sau, vào tháng 9/2021, Cơ quan quản lý cạnh tranh Hàn Quốc tuyên bố sẽ xử phạt Google 207,4 tỷ won (176,9 triệu USD) với cáo buộc lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường hệ điều hành di động để "đàn áp" cạnh tranh. Theo thông báo của cơ quan chức năng Hàn Quốc, Google bị cáo buộc đã lợi dụng vị thế thị trường của mình để ngăn chặn các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Samsung sử dụng hệ điều hành do các đối thủ phát triển.
Cũng trong tháng 9/2021, Cơ quan điều tra thuộc Ủy ban quản lý cạnh tranh Ấn Độ (CCI) nêu trong một báo cáo về cuộc điều tra kéo dài 2 năm rằng Google đã hạn chế "khả năng và mong muốn của các nhà sản xuất thiết bị trong việc phát triển và bán các thiết bị hoạt động trên các phiên bản thay thế Android".
Đến tháng 11/2021, Tòa sơ thẩm châu Âu đã "y án" mức phạt 2,8 tỷ USD đối với Google, đồng thời tuyên bố Ủy ban châu Âu (EC) đã đúng khi xử phạt Google vì vi phạm quy định chống độc quyền.
Trước đó, Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp cao nhất của EU - ra kết luận vào năm 2017 rằng Google đã ủng hộ các dịch vụ mua sắm so sánh của riêng mình và xử phạt công ty này 2,42 tỷ EUR (tương đương 2,8 tỷ USD) do vi phạm các quy định chống độc quyền. Đáp lại, Google đã khiếu nại lên Tòa sơ thẩm châu Âu.