Động thái này không chỉ đánh dấu sự tăng cường mở rộng của GreenYellow (một tập đoàn quản lý năng lượng có trụ sở tại Pháp) tại Việt Nam, mà còn góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Đầu tư dự án điện mặt trời áp mái New Wing
Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt với tổng công suất 5 MWp tại nhà máy New Wing, Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Dự án dự kiến sản xuất 5.300 MWh điện mặt trời mỗi năm, từ đó góp phần giảm 4,500 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
New Wing là công ty năng lượng của Tập đoàn Foxconn, "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và linh kiện điện tử. New Wing đã ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) với GreenYellow để triển khai chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn. Thông qua hợp tác này, GreenYellow sẽ trở thành nhà đầu tư và nhà vận hành duy nhất cho hệ thống năng lượng mặt trời của New Wing với thời hạn hợp đồng 20 năm.
Dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hoạt động đầu tư của GreenYellow tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Dự án sẽ được bổ sung vào danh mục đầu tư điện mặt trời đang phát triển của GreenYellow Việt Nam. Vào tháng 11/2022, GreenYellow cũng mua lại trang trại điện mặt trời công suất 49,5 MWp từ Qair - một nhà sản xuất năng lượng tái tạo độc lập của Pháp tại Việt Nam.
Ông Sébastien Prioux, CEO của GreenYellow trích dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) cho thấy Việt Nam là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Với mục tiêu tham vọng về phát triển năng lượng sạch, Việt Nam có vị thế trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu và khu vực cũng như trung tâm kết nối cho các nhà đầu tư và công ty tài chính trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Để hỗ trợ mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (quy hoạch điện VIII) vào tháng 5/2023.
"Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi Việt Nam bắt đầu quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Do đó, thị trường Việt Nam mang đến nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đang nhắm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo và có kế hoạch đầu tư lâu dài để đảm báo tính khả thi của dự án," ông Prioux nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, GreenYellow không chỉ gia nhập sâu hơn vào thị trường năng lượng tái tạo mà còn mở rộng dịch vụ tối ưu năng lượng và lưu trữ năng lượng để tận dụng các cơ hội mới.
Nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính cũng như chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Do đó, các khoản đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Trong khi đó, nhiều công ty bắt đầu triển khai chiến dịch trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) với các cam kết về năng lượng xanh.
Xu hướng này mở ra vô vàn cơ hội cho GreenYellow với vị thế là một công ty chủ chốt trong thị trường tối ưu năng lượng tại Pháp, Brazil, Colombia, Nam Phi và Thái Lan. Tại Việt Nam, GreenYellow hiện đang phát triển kinh doanh với hai hình thức hợp đồng: Thỏa thuận Tiết kiệm Điện năng (Energy Efficiency Agreement - EEA) và Dịch vụ Tiện ích (Utility as a Service - UaaS).
Theo đó, EEA là một giải pháp tài chính cho khách hàng. Khái niệm tiết kiệm năng lượng được triển khai dựa trên việc tối ưu hóa hệ thống nhằm cung cấp đầu ra giống nhau với đầu vào ít hơn. Nói cách khác, giải pháp này giúp giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo sản lượng tương đương. Điều này có thể đạt được thông qua tự động hóa và tối ưu hóa quy trình.
Trong khi đó, UaaS là chiến lược tài trợ cho các dự án trang bị thêm. Giải pháp này giúp khách hàng hiện đại hóa cơ sở vật chất với quy trình vận hành tự động hóa và máy móc hiệu quả cao. Khi GreenYellow đầu tư vào hệ thống mới, khách hàng có thể yên tâm tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi còn GreenYellow sẽ phụ trách các tiện ích kỹ thuật.
GreenYellow ký kết hợp đồng EEA đầu tiên với một chuỗi bán lẻ quốc tế tại Việt Nam. Dự án này giúp công ty tiết kiệm 800 MWh điện năng tiêu thụ mỗi năm, tương đương với 2 tỷ đồng. Trong khi đó, một hợp đồng UaaS tiêu biểu của GreenYellow là dự án trang bị thêm cho hệ thống làm lạnh công nghiệp, thay thế máy nén pít-tông chứa dung môi làm lạnh HCFC bằng máy nén trục vít sử dụng amoniac. Hợp đồng này giúp khách hàng giảm lượng điện năng tiêu thụ khoảng 1 GWh mỗi năm, tương đương với 1,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, GreenYellow cũng cung cấp hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) cho doanh nghiệp. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành khi kết nối lưới mà còn tiết kiệm tiền cho người tiêu thu điện. Nhờ lưu trữ năng lượng trong thời gian ngừng hoạt động trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí khi xảy ra gián đoạn và tiếp tục hoạt động bình thường. GreenYellow đang triển khai một số dự án thử nghiệm BESS tại Việt Nam. Công ty sẽ sớm công bố ra thị trường trong thời gian tới.
GreenYellow có 16 năm kinh nghiệm đầu tư và chuyên môn vận hành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Công ty đã ký kết các thỏa thuận hợp tác năng lượng điện mặt trời với tổng công suất lên đến 930 MWp. GreenYellow chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2019 với mục tiêu thúc đẩy dự án carbon thấp của các công ty lớn. Đến nay, GreenYellow đã đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng vào các dự án sản xuất điện mặt trời cho hơn 100 doanh nghiệp tại Việt Nam với tổng công suất 170 MWp.