Lưu ý khi dùng gương
Kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Trưởng ban phong thủy - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cho biết, một trong những tác dụng xấu là dùng gương ở không gian nơi thờ tự.
Chẳng hạn, gương đặt gần không gian thờ sẽ phản chiếu vào ban thờ. Đặc biệt, nếu đặt đối diện thì rất xấu. Còn đặt bên hông thì sẽ làm nhân đôi hình ảnh ban thờ lên. Vô hình trung tạo thành một thế lực ẩn, đối kháng, đối kháng lại nơi thờ tự chính. Làm cho việc thờ tự không nhất quán, làm ảnh hưởng đến gia chủ.
Gương vừa là vật trang trí, vừa giúp nhân đôi yếu tố tốt trong phong thủy |
Tương tự, có nhiều người mua tấm kính trong, kính trắng đặt trên mặt ban thờ với mục đích không để tàn hương rơi xuống làm xém mặt ban thờ hoặc để lau dọn dễ dàng. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra sự phản chiếu của bát hương, tạo ra bát hương lộn ngược xuống, có ý nghĩa và ảnh hưởng tới gia chủ hay bị người ta phản bội, lật mặt. Nói chung, trong không gian thờ cúng không nên đặt gương. Đặc biệt, tránh trường hợp gương bị vỡ lại là điềm không hay.
Không gian ở tiếp theo cũng kiêng đặt gương lớn là phòng ngủ. Đặt gương trong phòng ngủ sẽ khiến người ngủ bị phân tâm, nếu là người nhẹ vía thì hay bị giật mình. Vì con người ta có 4 thể là: thể xác, thể phách, thể trí và thể vía. Khi người ta ngủ, thể xác, thể phách và thể trí yên tĩnh, chìm theo giấc ngủ. Lúc này, thể vía lại hoạt động mạnh nhất trong 4 thể nói trên.
Có những người mơ mình đến nơi này, nơi kia, thấy khung cảnh này, khung cảnh kia và tương lai họ gặp đúng như vậy, thì do thể vía có khả năng vượt không gian, thời gian và tiếp nhận được những thông tin đó. Những người có khả năng như thế, giác quan của họ gần đạt tới khả năng dự báo.
Do vậy, khi ngủ có gương phản chiếu sẽ làm người ta hay giật mình, hoảng hốt, đó là do thể vía đứng giữa không gian thật và ảo là trong gương, lúc này tương tác lại thể trí, phách và thể xác.
Gương phòng khách hiện được cách điệu để mang tính mỹ thuật nhiều hơn |
Trong phòng ngủ, người ta thường chỉ để một gương nhỏ đi liền với bàn phấn và không để chiếu vào giường. Người ta cũng có thể đặt gương trong phòng khách, bếp, làm cho không gian sinh động và cảm thấy ngôi nhà không chật chội, tù túng (riêng trong bếp không đặt gương chiếu thẳng vào bếp).
Tác dụng của gương đến tâm lý
Theo các nhà nghiên cứu, nếu như bạn soi gương trong một thời gian quá lâu, sẽ dẫn đến chứng lo âu, căng thẳng, sự hài lòng của con người về mình sẽ bị giảm xuống khá nhiều. Đặc biệt, quá lạm dụng nó, soi gương một cách quá lâu, rất dễ dẫn đến việc thay đổi tâm lý con người mình.
Một thí nghiệm thực tế đã được thực hiện trên một số người tình nguyện. Những người này nhìn vào gương 25 giây và tự cho điểm về độ hài lòng của mình. Tiếp tục cho họ nhìn vào gương ít nhất là 10 phút rồi ghi lại điểm số về sự hài lòng. Tiếp tục như vậy với thời gian lâu hơn và sau đó nhìn vào kết quả.
Kết quả, khi thời gian soi gương càng lâu, thì sự hài lòng với bản thân càng giảm xuống. Điều này minh chứng cho việc khi soi gương càng lâu, thì tâm lý con người sẽ dần thay đổi chuyển sang trạng thái lo âu, phiền muộn nhiều hơn.
Các nhà tâm lý học cho rằng, việc soi gương một chút có ý nghĩa rất tích cực, giúp bạn có thể nhìn ra được những ưu điểm của bản thân để phát huy, tăng sự tự tin hoặc kịp thời phát hiện khiếm khuyết để sửa đổi. Tuy nhiên, nếu việc soi gương kéo dài quá lâu, tâm lý con người rất dễ sinh ra lo lắng, trầm cảm, tự ti, thậm chí tự đánh mất năng lực chính bản thân mình.
Chọn vị trí đặt gương
Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, nếu theo quan điểm và kiến thức phong thủy cơ bản, người ta dựa vào 4 phương vị tốt của Bát Trạch để chọn vị trí, nhưng phái Bát Trạch mới chỉ là kiến thức cơ bản, mở đầu của phong thủy. Do vậy, một số thầy phong thủy theo phái này không thể giải thích được tại sao nhiều người ở hướng tuyệt mệnh vẫn phát, ở hướng sinh khí vẫn lụi bại.
Do đó, 4 phương vị tốt để đặt gương căn cứ theo năm sinh hay căn cứ theo mệnh không chuẩn, vì phong thủy Bát Trạch luôn có sự mâu thuẫn. Chẳng hạn, người mệnh Mộc thuộc Tây Tứ Trạch, hợp hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc. Hướng Tây, Tây Bắc có ngũ hành là Kim, Kim khắc Mộc, vậy thì mệnh theo năm sinh bị khắc chế. Còn hướng Tây Nam, Đông Bắc có ngũ hành là Thổ, mệnh người thì nhỏ, Thổ của đất lại lớn, Mộc lại khắc Thổ. Trong trường hợp này, khác nào trứng chọi đá. Vậy thì người mệnh Mộc có ở nhà Tây Tứ trạch tốt như phái Bát Trạch nói không?
Hoặc người mệnh Hỏa có 4 hướng hợp thuộc Tây Tứ Trạch (như trên), mệnh Hỏa khắc Kim của hướng Tây và Tây Bắc, hoặc phải sinh cho Thổ của hướng Đông Bắc, Tây Nam. Như vậy, người mệnh Hỏa ở Tây Tứ trạch đâu có được phù? Đây chính là những kiến giải cho thấy, việc chọn phương vị tốt cần tuân theo năm sinh chứ không cân theo mệnh.
Chính bởi vậy, trong phong thủy, người ta chọn vị trí tốt để đặt thủy kích tài vận. Với những không gian nhỏ không đặt được bể cá hay hồ cảnh đủ lớn theo nhu cầu phong thủy hay nhu cầu về mỹ thuật, cảnh quan, người ta có thể dùng gương đặt thêm vào để làm nhân đôi không gian lên, khiến vừa đẹp về kiến trúc, vừa nhân đôi vùng tốt lên, thủy cũng được tăng thêm sức mạnh để kích tài vận nhiều hơn.
Tương tự, với một số vị trí cần trấn bằng tiểu sơn hay dùng chậu cây cảnh để trấn mà không gian nhỏ không thể làm tiểu sơn hay trồng nhiều cây, làm núi non thì có thể kết hợp với gương để tạo được không gian kiến trúc nội thất thật đẹp để gia tăng hiệu quả của việc chấn trong phong thủy.