Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Nam 2016 (Ảnh: VPCP) |
Chiều 6/8, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016 với sự tham gia của gần 500 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Hà Nam nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư theo 03 lĩnh vực chính: Công nghiệp; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và Thương mại - Dịch vụ - Du lịch.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Nam năm 2016 được tổ chức với mục tiêu giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, các dự án, cơ hội đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước, đối tác nước ngoài nói chung quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư vào tỉnh Hà Nam.
Thông qua việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hà Nam đang thể hiện rõ nét những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, “Hà Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, giao đất sạch không thu tiền để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động...; nhất quán trong chính sách đầu tư; xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xây dựng Hà Nam từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước”.
Các lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư gồm: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; chú trọng những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong hoạt động chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ để phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh đã quy hoạch vùng trồng và chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sạch có giá trị gia tăng cao phục vụ cho các siêu thị lớn và xuất khấu với diện tích gần 1.000 ha; phấn đấu trở thành Trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch vào năm 2020; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu Trung tâm y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao, Khu Du lịch Tam Chúc, sân golf và hệ thống các nhà hàng, khách sạn chất lượng cao, hiện đại.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn của Hà Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Hà Nam cần tích cực đối thoại, lắng nghe khó khăn của nhà đầu tư gặp phải, tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp để dẹp bỏ những rào cản trong phát triển cả về vốn và công nghệ, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thủ tướng cũng lưu ý, cùng với thu hút kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tỉnh cũng cần chú trọng các doanh nghiệp trong nước, “để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng nhau phát triển và lớn mạnh, doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để hợp tác, liên kết với khu vực FDI”.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nam phải đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế song song với giữ môi trường sống, không gian sống, không làm kinh tế bất cứ giá nào mà bỏ qua vấn đề môi trường. Đồng thời, tỉnh Hà Nam cần nghiên cứu đầu tư du lịch, dịch vụ, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đồng bộ, tạo ra sự phát triển hài hòa cho xã hội.
UBND tỉnh Hà Nam và Ngân hàng BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 (Ảnh: Mạnh Tùng) |
Tại Hội nghị, BIDV cam kết dành 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng tài trợ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tập trung cho các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, cũng như cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư tại các KCN (nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), trong đó đặc biệt ưu tiên đối với ngành cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chăn nuôi, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư quy đổi gần 17.000 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó là Dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bán dẫn, LED, linh kiện LED có tổng mức đầu tư 300 triệu USD của Tập đoàn Seoul Semiconductor (Hàn Quốc) tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I.
Cũng tại Hội nghị, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam đã ký 4 biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.
1. Cung cẩp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp.
2. Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp.
3. Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quả 3 ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.
5. Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí.
6. Hỗ trợ và tạo điểu kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
7. Hải quan phục vụ Khu công nghiệp, thực hiện thủ tục hài quan điện tử nhanh gọn.
8. Đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
9. Đảm bảo không có đình công, bãi công.
10. Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.