Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Bản lĩnh ngàn năm, sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên mới
Nguyễn Linh - 08/10/2024 18:48
Từ những ngày đầu được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp vào tháng 10/1954, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của lòng kiên cường, trí tuệ và sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Thành phố văn hiến gắn kết giữa bảo tồn và phát triển

Hà Nội là nơi hội tụ những giá trị tinh hoa nhất của dân tộc, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", hội tụ văn hóa, trí tuệ và tinh thần kiên cường của người Việt Nam. Từ thời kỳ phong kiến, qua các cuộc chiến tranh giành độc lập và đến hiện nay, Hà Nội luôn là điểm tựa của dân tộc trong những thời điểm lịch sử cam go nhất. Với vai trò Thủ đô, thành phố này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là nơi dẫn dắt các tiến trình đổi mới, tạo ra những giá trị mới cho đất nước.

Trong suốt 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Hà Nội đã không ngừng phát triển, từ một thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh đến một đô thị văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. Nhìn lại những năm đầu của cách mạng, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của Thủ đô trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong các giai đoạn cách mạng sau này, Hà Nội luôn là trung tâm của các quyết sách lớn, nơi thử nghiệm những chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

GS. TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại Hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, GS. TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là trung tâm chính trị của cả nước mà còn là đầu mối quan trọng trong các mối quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội. 

“Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong suốt 70 năm qua là thành quả của quá trình lãnh đạo đúng đắn của Đảng, kết hợp với tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân Hà Nội”, ông khẳng định.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Thủ đô Hà Nội hiện nay là làm sao để giữ vững bản sắc nghìn năm văn hiến trong bối cảnh phát triển đô thị hóa và hiện đại hóa. Hà Nội không thể phát triển theo mô hình của những đô thị hiện đại khác mà phải giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, làm hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa di sản và đổi mới.

Trong chiến lược phát triển Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã luôn đề cao việc bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản của Hà Nội. Thủ đô không chỉ nổi tiếng với những công trình hiện đại, những khu đô thị mới mọc lên mà còn là nơi bảo tồn hàng trăm di tích lịch sử, các quần thể kiến trúc cổ, hệ thống hồ nước, cây xanh đã làm nên hồn cốt của Thành phố. Không chỉ là những công trình văn hóa vật thể, Hà Nội còn giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thống nghệ thuật, lễ hội và lối sống thanh lịch, tao nhã của người Tràng An.

Việc bảo tồn các di tích và quần thể xanh là cách để duy trì sự cân bằng sinh thái và tạo không gian sống lành mạnh cho người dân Thủ đô. Hệ thống sông, hồ, công viên và các khu vực tự nhiên khác đã trở thành những "lá phổi xanh" của Thành phố, góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường sống. 

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, Hà Nội không thể tách rời quá khứ nghìn năm lịch sử của mình. Sự phát triển bền vững của Thủ đô chỉ có thể đạt được khi chúng ta biết tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của nơi đây. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc quy hoạch đô thị, sao cho sự mở rộng không làm mất đi hồn cốt văn hóa của Thành phố.

Tầm nhìn chiến lược đến năm 2045

Tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng xác định Hà Nội phải trở thành một đô thị toàn cầu, nơi mà chất lượng sống, mức sống của người dân được nâng cao đáng kể. Thành phố không chỉ đóng vai trò dẫn dắt các tỉnh thành trong nước mà còn phải đạt được những tiêu chuẩn quốc tế, ngang tầm với các thủ đô phát triển của khu vực và thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và con người, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống.

Theo đó, những hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa, kinh tế với các nước sẽ tiếp tục là điểm sáng trong chiến lược phát triển của Thủ đô, tạo điều kiện cho Hà Nội trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Xây dựng người Hà Nội yêu nước, tự cường, năng động, sáng tạo, hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh.

"Từ những phương hướng lớn, Đảng, Nhà nước đã gợi mở những định hướng phát triển trên các lĩnh vực quan trọng, những nhiệm vụ trọng tâm, những nhóm giải pháp chủ yếu, tạo điều kiện để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội có cơ sở vững chắc vận dụng, phát triển sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa ngày càng văn minh, hiện đại", GS.TS Phùng Hữu Phú nói.

Việc phát triển kinh tế bền vững, đi đôi với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội là những yêu cầu cơ bản trong chiến lược phát triển của Hà Nội, đảm bảo rằng mọi người dân đều có cơ hội hưởng thụ những thành quả của sự phát triển này. Chính quyền Thủ đô cũng cần chú trọng đến việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, nơi mọi người dân đều được tôn trọng và có điều kiện phát triển toàn diện.

"Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; có môi trường thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả.

Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quý báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác