Tiêu dùng
Hà Nội bảo đảm nguồn cung nông sản Tết Ất Tỵ 2025
Linh Nguyễn - 28/11/2024 16:43
Chỉ hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu nông sản, thực phẩm dự kiến tăng mạnh. Để bảo đảm nguồn cung, Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất, liên kết với các địa phương xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, điều tiết và bình ổn giá.

Tăng cường sản xuất, liên kết vùng

Những ngày cuối năm, các vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang dồn lực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Với dân số gần 10 triệu người cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản lượng nông, lâm, thủy sản của Thành phố mới đáp ứng khoảng 20 - 70% nhu cầu, tùy loại. Phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nước ngoài.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì, phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng 20 - 30%, do đó Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và điều tiết nguồn hàng từ sớm, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa cục bộ. Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Thành phố đã triển khai các kịch bản sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, đồng thời cử cán bộ phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng chính vụ. Công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh cũng được tăng cường để bảo đảm sản lượng ổn định.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Mê Linh.

Khảo sát tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, nhiều trang trại, hợp tác xã đang tích cực gieo trồng các loại cây ngắn ngày và chăm sóc gia súc, gia cầm để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cho biết địa phương này đã gieo trồng hơn 1.300 ha rau màu vụ đông, đồng thời rà soát thêm diện tích đất canh tác để tăng cường sản xuất, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Không chỉ tăng diện tích, các hợp tác xã và nông hộ còn chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Những giống rau, củ, quả được lựa chọn đều có khả năng sinh trưởng nhanh, phù hợp với điều kiện thời tiết vụ đông và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đang triển khai kế hoạch tăng đàn gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm nguồn cung thịt, trứng trong dịp Tết.

Tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, ông Nguyễn Văn Hòa, chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn chia sẻ: “Trang trại của tôi đã tăng cường nhập giống và cải thiện chuồng trại từ sớm. Dự kiến, sản lượng trứng và thịt gà năm nay sẽ tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường Tết.”

Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân, huyện Thường Tín đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hệ thống tưới tiêu và phương tiện vận chuyển nông sản cũng được bảo dưỡng, nâng cấp để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Tại huyện Đông Anh, các hợp tác xã trồng rau sạch đang đẩy mạnh sản xuất các loại rau ăn lá và củ quả được thị trường ưa chuộng, như cải bó xôi, cà rốt, su hào. Một số mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai, giúp gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Song song với sản xuất, Hà Nội cũng đẩy mạnh liên kết với 43 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn, chất lượng cao. Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết Thành phố hiện có 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, bao gồm nhiều đặc sản vùng miền. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, quận, huyện, thị xã cập nhật quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn kết hợp quản lý chặt chẽ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng

Bên cạnh các chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Ông Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển cho biết đơn vị này đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với hàng chục cơ sở sản xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng đặc sản, sản phẩm OCOP để phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Không chỉ các doanh nghiệp, ngành công thương và nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực tổ chức hội chợ, gian hàng giới thiệu nông sản từ các tỉnh, thành phố. Nhóm hàng thiết yếu được cân đối cung - cầu bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, rau củ, thực phẩm chế biến và các mặt hàng gia vị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Hiện Thành phố có gần 71.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 453 chợ; 137 siêu thị; 29 trung tâm thương mại; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi và nhiều kênh bán hàng trực tuyến, bảo đảm khả năng lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, các kịch bản sản xuất đã được xây dựng từ sớm, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương trong dự báo nhu cầu, điều phối hàng hóa. Hà Nội cũng quản lý nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.

"Với sự chủ động từ sản xuất đến liên kết và điều tiết thị trường, tôi tin rằng dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn nông sản an toàn, chất lượng cao phục vụ người dân Thủ đô," ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác