Sáng 12/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền.
Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
PAPI năm 2022 tiếp tục đo lường 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
PAPI năm 2022 thực hiện phỏng vấn 16.117 người (cao nhất từ trước tới nay) được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Bà Ramla Khalidi nhận định, báo cáo PAPI 2022 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch. Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua.
Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với năm 2021; tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” là 6,1%, giảm 13,7% so với tỷ lệ 19,8% của năm 2021...
Chỉ số tổng hợp PAPI 2022 của Hà Nội đạt 43,9049 điểm. Với kết quả này, Hà Nội nằm trong nhóm “cao”, gồm 15-16 tỉnh, thành phố đạt tổng điểm PAPI 2022 từ 43,44 đến 47,88 điểm. Nhóm “trung bình - cao” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 42,1 đến 43,25 điểm; nhóm “trung bình - thấp” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 40,74 đến 42,14 điểm; nhóm “thấp” gồm các tỉnh, thành phố đạt tổng điểm từ 38,80 đến 40,72 điểm (dữ liệu của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang bị nhiễu do yếu tố chủ quan, do đó không được đưa vào báo cáo PAPI).
Chỉ số PAPI 2022 của Hà Nội có 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “cao” gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,8254 điểm, “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, đạt 5,7770 điểm.
4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình cao” gồm: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,3707 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,8007; “thủ tục hành chính công”, đạt 7,3101 điểm; “quản trị điện tử”, đạt 3,6578 điểm.
1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình thấp” là “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,2294 điểm; 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “quản trị môi trường”, đạt 2,9338 điểm.
Trước đó, năm 2021, Hà Nội không có nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp; có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công”; và 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử”; 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” nằm trong nhóm điểm thấp nhất.
So với năm 2021, Chỉ số tổng hợp PAPI 2022 của Hà Nội giảm (năm 2021 đạt 44,45 điểm).
Cũng so với năm 2021, Hà Nội có chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” có sự cải thiện; 5 chỉ số “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “thủ tục hành chính công” và “quản trị điện tử” đang “dậm chân tại chỗ”; 2 chỉ số “cung ứng dịch vụ công” và “quản trị môi trường” sụt giảm qua hai năm 2021 và 2022.
TS. Đặng Hoàng Giang đánh giá, thành phố Hà Nội đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây về Chỉ số PAPI khi đã vươn lên ở trong nhóm cao, nhiều năm trước Thủ đô chỉ ở trong nhóm “trung bình thấp” và “thấp”.