Để "chắp cánh" cho du lịch huyện Mê Linh, ngày 29/8, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch huyện Mê Linh với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023”.
Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân. |
Chia sẻ tiềm năng du lịch của địa phương, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, việc phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển du lịch huyện Mê Linh trở thành một ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Đất và Người Mê Linh đổi mới, phát triển, thân thiện gắn với thương hiệu Mê Linh - “mảnh đất ngàn hoa”.
“Huyện Mê Linh xác định đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững là: Du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về du lịch văn hóa, huyện Mê Linh được biết đến là một huyện anh hùng, có bề dày lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng, là địa phương có phong tục tập quán phong phú. Huyện có 161 di tích lịch sử, có 74 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có di tích Quốc gia đặc biệt - Đền thờ Hai Bà Trưng, 25 di tích cấp Quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh, thành phố.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Di tích Đền thờ Hai Bà Trưng còn tích hợp được những giá trị trong tổng thể hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng; với cảnh quan đẹp mang đậm không gian văn hóa truyền thống, di tích Đền Hai Bà Trưng được gìn giữ, tôn vinh làm nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân; năm 2022, được công nhận là “Điểm đến du lịch của Thành phố”.
Hiện nay, huyện đang triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo và tiếp tục xây dựng hoàn thiện các hạng mục thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng theo quy hoạch, với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng; nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững giá trị di sản, giá trị văn hóa lịch sử.
Trên địa bàn huyện Mê Linh có nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái thu hút du khách |
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các điểm du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái khác hiện thu hút nhiều khách du lịch như: chùa Trung Hậu, Đồi 79 mùa Xuân, căn cứ cách mạng Nhà in Đông Dương... có thể liên kết phát triển với các điểm du lịch trong vùng như Đền Gióng (huyện Sóc Sơn); đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); chùa Tây Thiên, Tam Đảo, khu sinh thái Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều điểm di tích của các địa phương lân cận.
Cùng với địa chỉ các di tích lịch sử, Mê Linh còn thừa hưởng nét văn hóa làng nghề gắn với các lễ hội đầu xuân được tổ chức hàng năm, mà nổi bật là Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” năm 2018).
Di tích Đền Hai Bà Trưng được gìn giữ, tôn vinh làm nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân; năm 2022, được công nhận là “Điểm đến du lịch của Thành phố”. |
Ngoài cảnh quan thiên nhiên và lễ hội truyền thống, trên địa bàn huyện còn có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, là một nét văn hóa đẹp đang được gìn giữ và phát huy như: vùng trồng rau tập trung tại xã Tráng Việt; làng nghề làm mỳ bún, kẹo lạc xã Tiến Thịnh; làng nghề đan lát xã Tam Đồng,… những địa chỉ làng nghề này chính là một điều kiện để phát triển du lịch địa phương.
Mê Linh còn được biết đến là thủ phủ hoa của Thủ đô, với gần 1.000 ha trồng hoa truyền thống và ngoại nhập cung cấp khoảng 20% tổng lượng hoa tiêu thụ mỗi năm cho Thủ đô; trong đó có hàng trăm nhà vườn chuyên trồng hoa thế, bonsai; nhiều làng nghề nay đã khẳng định được vị thế và uy tín như Làng nghề trồng hoa hồng thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), Làng nghề trồng hoa cúc thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh), Vùng trồng hoa - cây cảnh thôn Văn Quán (xã Văn Khê)... đây là tiền đề để Mê Linh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - sinh thái.
Huyện Mê Linh được biết đến là thủ phủ hoa của Thủ đô Hà Nội |
Hiện nay, huyện đang rà soát lập quy hoạch, phát triển các trang trại, cánh đồng trồng rau củ, quả, nông sản tập trung, vùng trồng hoa, cây cảnh thành điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan.
Bên cạnh đó, huyện có điều kiện để phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, điểm dừng chân của du khách. Kết hợp với việc xây dựng các tour du lịch liên kết các quận, huyện để du khách có thời gian trải nghiệm, thăm quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng.
Dịch vụ hạ tầng du lịch đang được huyện Mê Linh quan tâm đầu tư. |
Dịch vụ hạ tầng du lịch cũng đang được huyện quan tâm đầu tư. Hiện nay trên địa bàn huyện, có 47 cơ sở lưu trú với 576 phòng; trong đó có 1 khách sạn 2 sao. Dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện cũng có sự đầu tư, phát triển, một số nhà hàng có quy mô lớn, không gian rộng đẹp và thoáng mát được đầu tư, phát triển thu hút và là điểm thưởng thức ẩm thực của nhiều du khách khi đến thăm quan các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện như Mê Linh Coffee Garden, First Restaurant...
Huyện Mê Linh có nguồn tài nguyên giá trị tự nhiên và văn hóa rất, độc đáo, đặc sắc. Tuy nhiên, dịch vụ lưu trú còn nhỏ lẻ, đa số các cơ sở lưu trú chưa được thẩm định xếp hạng theo quy định của Luật Du lịch 2017. Hệ thống nhà hàng, dịch vụ ẩm thực của huyện còn phát triển thiếu quy hoạch, chưa nhiều nhà hàng quy mô lớn, phục vụ khách du lịch. Hạ tầng phụ trợ du lịch như: cơ sở mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, bãi đỗ xe còn chưa có hoặc quy mô rất nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm du lịch còn thiếu và yếu, chưa đủ sức thu hút du khách đến với Mê Linh.
Huyện Mê Linh có nguồn tài nguyên giá trị tự nhiên và văn hóa rất, độc đáo, đặc sắc để phát triển du lịch. |
Hội nghị đã nghe 17 ý kiến phát biểu đóng góp, “hiến kế” cho du lịch huyện Mê Linh phát triển bứt phá trong thời gian tới.
ÔngVũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam mong muốn huyện Mê Linh cung cấp nhiều thông tin cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, dịch vụ cho du khách đến trải nghiệm ở làng hoa Mê Linh, làng bánh đa Trung Hà…
“Bên cạnh đó, huyện Mê Linh cũng cần quan tâm, xây dựng Ban điều hành về du lịch để tham mưu cho huyện cách xây dựng sản phẩm du lịch, cách kết nối với các doanh nghiệp ra sao, xây dựng kế hoạch và triển khai để điểm đến được công nhận đạt chuẩn du lịch, làm công tác truyền thông… Đặc biệt, việc phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản lý, xây dựng thương hiệu du lịch và cách thức làm truyền thông cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, huyện Mê Linh cần chú trọng kết nối các tuyến, điểm trên địa bàn huyện và với các tuyến, điểm du lịch lân cận; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự làm du lịch; phát triển Khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân thành công viên chủ đề; đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong đó ưu tiên các loại hình du lịch trải nghiệm, sinh thái, học đường…
Các đại biểu tham quan Hợp tác xã bánh đa nem Trung Hà, xã Tiến Thịnh. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Mê Linh rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước về điều kiện hoạt động kinh doanh và việc thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Du lịch đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, mua sắm trên địa bàn.
Lập hồ sơ và xem xét công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố trên địa bàn huyện Mê Linh và hướng dẫn các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Xây dựng, triển khai kế hoạch thí điểm lắp đặt một số biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai một số loại hình du lịch mới như: du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch đường sông, du lịch thể thao nước, du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm...
Khảo sát, xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng điểm đến di sản, di tích, lễ hội, làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực gắn với xây dựng thương hiệu du lịch huyện Mê Linh.
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới như công nghệ ảnh 360, 3D trông số hóa các điểm đến di tích-di sản, văn hóa trên địa bàn huyện, tạo dựng sản phẩm để tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Mê Linh đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong sáng 29/8, gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp du lịch, cán bộ các Phòng Văn hóa thuộc nhiều quận huyện trên địa bàn Thủ đô và phóng viên đã đi khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Mê Linh như: Đền thờ Hai Bà Trưng; điểm giới thiệu nghề trồng hoa hồng; đồi 79 Mùa Xuân; làng nghề làm bánh đa nem…