Dự án đường sắt đô thị trên cao đoạn Nhổn - ga Hà Nội nằm trong danh sách các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 – 2015 có nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 |
Các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 – 2015 có nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 là Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, xây dựng bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1, đầu tư nâng cấp bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2, đầu tư nâng cấp bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội.
Các dự án mới giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm các dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư, được ghi kế hoạch vốn năm 2016 để triển khai thực hiện và các dự án phê duyệt lại hoặc phê mới chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư công, dự án mới chưa được thành phố giao nhiệm vụ lập trình phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị có các dự án: dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; trục Tây Thăng Long từ vành đai 3 đến vành đai 3,5; xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3 đoạn Hà Hà Nội – Hoàng Mai… Lĩnh vực văn hóa xã hội là đự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu vực lõi Thành Cổ Loa thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa; dự án Trung tâm phức hợp y học bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ…
Một số công trình cấp bách, chống ùn tắc giao thông được TP. Hà Nội thực hiện ngay trong giai đoạn 2016 – 2017 là: Nút giao Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc; cầu vượt nút giao Bạch Mai – Lê Thanh Nghị, cầu vượt bằng kết cấu thép tại nút giao thông An Dương – đường Thanh Niên; cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo – Lương Yên; nút giao Cổ Linh giữa đường Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu phía Bắc cầu Vĩnh Tuy.
Với các dự án sử dụng vốn ngân sách, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện trình ngay chủ trương đầu tư của 6 dự án cấp bách chống ùn tắc giao thông trước 31/3/2016 để bảo đảm thủ tục bố trí vốn từ nguồn vượt thu năm 2015 của Thành phố.
Với các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án trọng điểm đô thị là cơ quan dự kiến ký hợp đồng hoàn thiện hồ sơ đề xuất 5 dự án BT, 1 dự án BOT để kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập một bộ phận chuyên môn trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định hồ sơ đề xuất các dự án và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến các công trình trọng điểm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ trước 30/4/2016.
Đồng thời, Hà Nội cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát năng lực, khả năng thực hiện của các chủ đầu tư đã đăng ký thực hiện các dự án BT giai đoạn trước đây để xác định nhà đầu tư thực hiện dự án. Nếu không đáp ứng được nhu cầu tham mưu cho UBND Thành phố để tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư bảo đảm đủ điều kiện, năng lực tài chính kỹ thuật thực hiện dự án.