Đại diện CDC Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có hướng dẫn về cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà.
Theo đó, 30/30 quận, huyện, thị xã TP. Hà Nội đã rà soát được khoảng hơn 2.109.525 hộ gia đình, trong đó trên 804.631 hộ đủ điều kiện cách ly các F1 và theo dõi F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.
Hà Nội mới chỉ có gần 100 F0 điều trị tại nhà |
Hiện Hà Nội đã cách ly tại nhà tổng số 21.359 người F1 và đang cách ly 15.359 người tiếp xúc gần (F1) tại nhà.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều Thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt."
Để phòng chống dịch, người dân Thủ đô không quá hoang mang khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, song cũng không có thái độ chủ quan trước diễn biến của dịch bệnh.
Hiện 13 cơ sở lưu trú đã được thành phố phê duyệt cách ly (F1) tập trung, hiện đã cách ly được 403 trường hợp.
Thành phố đã phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Biện pháp hữu hiệu lúc này là mỗi người dân cần tuân thủ các chỉ đạo của chính quyền, nâng cao ý thức bảo vệ mình và xã hội, thực hiện nghiêm 5K.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội hiện có khoảng 100 F0 điều trị tại nhà. Đây là các F0 thể nhẹ, không triệu chứng ở 10 quận, huyện; nhiều nhất là ở quận Hà Đông và huyện Hoài Đức.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động ở cấp quận, huyện.
Hiện nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0; và trong tuần này, tất cả các quận, huyện còn lại đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại địa bàn.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, Thành phố đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn TP.
Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với đơn vị công nghệ - thông tin, xây dựng phần mềm trên điện thoại thông minh để người dân tự cập nhật tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ y tế cũng như kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh nhân chuyển tầng.
“Qua tổng đài 1022, chúng tôi nhắn tin cho F0 nhắc tự khai báo tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày. Nếu F0 có dấu hiệu bất thường như khó thở, ho tăng, sốt cao, cán bộ y tế sẽ lập tức tiếp cận để hỗ trợ thuốc, khám và điều trị”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin.
Liên quan tới việc xử lý khi phát hiện F0, qua tìm hiểu phóng viên được biết, có một số trường hợp người dân test nhanh dương tính, báo cáo với y tế địa phương nhưng việc xử trí của y tế địa phương chưa kịp thời, có khi 1-2 ngày sau mới có cán bộ y tế tới lấy mẫu xét nghiệm hoặc mời gia đình đến trạm để lấy mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian chờ đợi, có người đã tự đến cơ sở y tế ở tầng 2, tầng 3 để điều trị. BSCKII.Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, riêng ngày 5/12, Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp test nhanh dương tính tự đến viện khám.
Theo BSCKII.Nguyễn Thu Hường, điều này rất nguy hiểm và đòi hỏi ý thức khai báo của người dân cũng như sự sát sao kiểm soát của chính quyền cơ sở. Bởi bệnh nhân test nhanh dương tính (khi có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà/trạm y tế lưu động....).
Việc bệnh nhân tự đến các cơ sở y tế sẽ khiến bệnh nhân tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.
BSCKII.Nguyễn Thu Hường cũng cho biết thêm, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 20 - 30 ca, chủ yếu là tầng 2 và 3. Khoảng 15% bệnh nhân ở phân tầng 3.
Các ca nặng này chủ yếu là người cao tuổi (có ca trên 90 tuổi), một số ca phải thở máy, mắc Covid-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, chưa tiêm văc-xin. Hiện không có bệnh nhân chạy ECMO.
Chuyên gia cũng lo ngại tâm lý chủ quan không tiêm vắc-xin của một số người già vì cho rằng tuổi đã cao, không đi đâu. Trong khi đó, bệnh nhân cao tuổi lại tiếp xúc với con cháu hàng ngày. Khi con cháu mắc Covid-19 sẽ lây nhiễm cho người cao tuổi.
Tương tự tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai), bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ 10% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng tại Hà Nội đang không cao, tuy nhiên, việc số lượng bệnh nhân ngày càng đông cũng tạo ra áp lực ngày càng tăng cho các bệnh viện và đội ngũ cán bộ y tế.
Vì vậy, theo các chuyên gia, hiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài, bên cạnh việc đẩy mạnh tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, ý thức phòng dịch của người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Ngoài ra, để giảm tải cho lực lượng y tế, Sở Y tế cũng xây dựng thêm lực lượng hỗ trợ tại từng địa phương để cùng làm nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0.
Đây sẽ là lực lượng phi y tế như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện. Lực lượng này sẽ giảm tải cho tuyến đầu và giúp người dân nào khi nhiễm cũng được chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Thời gian tới, dự báo số F0 tiếp tục tăng nhanh, công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà nhiều căng thẳng, áp lực, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết sẽ theo dõi, đánh giá sát việc thực hiện ở từng địa phương. Khi phát sinh bất cập, khó khăn, Sở Y tế sẽ báo cáo Thành phố để phương hướng xử lý kịp thời.
Liên quan đến việc điều trị F0 tại Hà Nội, ngày 6/12/2021, Sở Y tế Hà Nội hỏa tốc ban hành Công văn 670/SYT-NVY về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị Covid-19 trong bệnh viện, triển khai giường điều trị người bệnh Covid-19 được giao theo quy định.
Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Thực hiện khai thác, khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng, chuyển tuyến người bệnh theo hướng dẫn.
Các đơn vị thực hiện nghiêm 5K trong toàn bệnh viện và tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn, tăng cường thông khí tự nhiên hoặc cơ học tại các khoa, phòng.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, công tác hội chẩn. Kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tối đa 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn tại Phương án 276/PA-UBND của UBND Thành phố ban hành ngày 2/12/2021 về phương án thu dung điều trị “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn Hà Nội, áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà.