Khảo sát tại 42 bệnh viện công lập, 43 bệnh viện ngoài công lập cho thấy mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân là 95,7%, trong đó khối bệnh viện công lập 95,3%, ngoài công lập 96,2%.
Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý III/2024, trong đó tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 95,7% và 96,6% khối trung tâm y tế. |
Cụ thể, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú ở khối bệnh viện công lập là 95,5%, khối bệnh viện ngoài công lập 98,8%. Người bệnh ngoại trú, có tỷ lệ hài lòng trung bình là 94,5% ở khối công lập và 98,7% khối ngoài công lập. Tỷ lệ hài lòng chung của bà mẹ sinh con tại bệnh viện khối công lập 98,3% và khối ngoài công lập 92,5%.
Tổng điểm trung bình của người bệnh nội trú là 4,37 ở khối bệnh viện công lập và 4,70 khối ngoài công lập. Với người bệnh điều trị ngoại trú, ở khối bệnh viện công lập là 4,33 và ngoài công lập là 4,78. Đối với người bệnh tại khối trung tâm y tế có tỷ lệ hài lòng trung bình là 96,6%, tổng điểm trung bình là 4,63.
Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế nghiêm túc thực hiện kế hoạch đánh giá hài lòng người bệnh năm 2024 của đơn vị; tiếp thu những ý kiến đóng góp của người bệnh, nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ tạo hài lòng người bệnh, so sánh với các quý trước.
Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu thay đổi hình thức đánh giá khảo sát sự hài lòng người bệnh thành đánh giá sự không hài lòng và nguyên nhân để có thể đưa ra các biện pháp khắc phục sớm và hiệu quả nhất.
Trước đó, tháng 6/2024, Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh quý II năm 2024 với tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với khối bệnh viện là 97,2%.
Tỷ lệ hài lòng ở bệnh nhân nội trú là 96,63%, người bệnh ngoại trú là 96,74%. Điểm hài lòng chung của bệnh nhân nội trú là 4,4 và người bệnh ngoại trú là 4,46.
Đối tượng được khảo sát là người bệnh nội trú hoặc người nhà người bệnh (với bệnh nhi) đến khám và điều trị tại bệnh viện ở tất cả các khoa lâm sàng; người bệnh ngoại trú/người nhà đến khám và điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế.
Thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú theo 5 nhóm tiêu chí: khả năng tiếp cận; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ.
Kết quả khảo sát ở 41/42 bệnh viện công lập và 40/43 bệnh viện ngoài công lập cho thấy tỷ lệ trung bình mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân đối với khối bệnh viện là 97,2%.
Trong đó khối bệnh viện công lập là 96,06%, cao hơn quý I là 1,6%. Bệnh viện đa khoa Đống Đa có tỷ lệ hài lòng cao nhất với 99,35% và thấp nhất là Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì 82,04%.
Với khối bệnh viện ngoài công lập, tỷ lệ hài lòng là 98,38%, cao nhất là các Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và nam học Đức Phúc, Bệnh viện Đông Đô, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành, Bệnh viện đa khoa Hồng Phát, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà với tỷ lệ 100%, thấp nhất là Bệnh viện Hy vọng mới 90%.
Tổng điểm trung bình của người bệnh nội trú khối công lập là 4,4, ngoài công lập là 3,82; người bệnh ngoại trú khối công lập là 4,46, ngoài công lập là 4,49; bà mẹ sinh con tại bệnh viện khối công lập 4,62, ngoài công lập 4,41.
Với người bệnh nội trú có tỷ lệ hài lòng là 96,63% (khối bệnh viện công lập 94,5%, khối bệnh viện ngoài công lập 98,76%). Người bệnh ngoại trú có tỷ lệ hài lòng 96,74% (khối bệnh viện công lập 95,53%, khối bệnh viện ngoài công lập 97,95%). Bà mẹ sinh con tại bệnh viện có tỷ lệ hài lòng 95% (khối bệnh viện công lập 97,68%, khối bệnh viện ngoài công lập 92,21%).
Sở Y tế cũng tổng hợp, phân tích kết quả khảo sát người bệnh ngoại trú đến khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm cấp cứu 115 với tỷ lệ hài lòng trung bình là 95,76%, cao nhất là trung tâm y tế huyện Ứng Hòa với tỷ lệ 98,92% và thấp nhất là trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Trung tâm cấp cứu 115 với tỷ lệ 91,5%.
Trước đó, nói về chất lượng bệnh viện, TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của nhiều bệnh viện thay đổi, được Chính phủ, nhân dân công nhận, ủng hộ.
Điều này được thể hiện bằng việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 thông qua ngày 9/1/2023 tại các Điều 49, Điều 57, Điều 58 quy định về việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện, hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế là đơn vị đầu mối, thông qua phương án xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh gồm Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản và Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao.
Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản sẽ được dự thảo dựa trên nội dung các tiêu chí từ mức 1 đến mức 3. Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao sẽ được dự thảo nội dung các tiêu chí từ mức 4 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trong khu vực châu Á) và các tiêu chí mức 5 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trên thế giới).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ phải bắt buộc hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản để được duy trì hoạt động.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ công bố danh sách công khai các bệnh viện đạt tiêu chuẩn cơ bản để người dân có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia trở lên.