Hà Nội đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động. Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Toàn TP. Hà Nội đã ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng khá cao (năm 2021 là 2.627 ca mắc, 0 ca tử vong). |
Để phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế và phòng y tế tăng cường công tác giám sát công tác phòng chống dịch tại các phường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch, giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ... tăng cường tập huấn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động và cho tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ của các phường.
Đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe, cần theo dõi sát sao các dấu hiệu khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm đi kèm với sốt cao (40°C) hoặc nhiều triệu chứng khác như: Đau đầu; đau hốc mắt; buồn nôn/nôn mửa; nổi hạch; đau cơ, xương hoặc khớp; phát ban.
Hiện nay một số bệnh dịch khác như Covid-19, cúm, thủy đậu... vẫn diễn biến phức tạp, nên việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng ở cả người lớn và trẻ em.
Thời gian gần đây, số trẻ vào viện tăng lên nhanh chóng. Các bệnh nhân tới khám có các các biểu hiện như ho, sốt, đi ngoài, đặc biệt có nhiều trường hợp sốt virus.
Ngoài sốt xuất huyết, hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh và gây bệnh. Đặc biệt trẻ em, với sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa.
Tại nhiều bệnh viện, số trẻ em đến khám đã tăng nhanh, nhiều gia đình phải cho con nghỉ học vì ốm, sốt. Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba cho hay, mấy tuần gần đây số bệnh nhi tới khám và nhập viện gia tăng đột biến.
Nếu thông thường một tuần tại Khoa ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhi tới khám thì 1-2 tuần nay, mỗi tuần ghi nhận tới gần 2.000 bệnh nhân tới khám.
Hầu hết trẻ tới khám mắc các bệnh về hô hấp là chính và mắc cúm A, cúm B hay sốt virus, sốt xuất huyết. Đáng lưu ý, gần đây nhiều trẻ mắc bệnh cúm B - tăng đột biến so với cùng kỳ của các năm và tăng nhiều nhất vào thời điểm trời chuẩn bị bước vào đợt lạnh. Tuần qua tại Khoa đã ghi nhận 100 trường hợp trẻ mắc cúm B.
Còn tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân tới khám cũng gia tăng đáng kể. Mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận khoảng 400-450 bệnh nhân tới khám, trong khi trước đó thường dao động quanh ngưỡng hơn 300 bệnh nhân tới khám/ngày.
Vì vậy, số bệnh nhân có chỉ định nhập viện cũng tăng lên, khoảng gần 30 bệnh nhân/ngày. Hiện nay 130 giường bệnh của Trung tâm đều kín hết bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân số bệnh nhi tăng đột biến thời gian gần đây là do đang là thời điểm giao mùa dễ phát triển một số bệnh do vi khuẩn, virus lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm A, cúm B, sốt virus, viêm mũi họng…, bệnh sốt xuất huyết và đặc biệt thời gian gần đây số ca mắc virus Andeno ngày càng gia tăng.
Để phát hiện sớm và chăm sóc điều trị trẻ cho trẻ đúng cách, bác sĩ khuyến cáo gia đình cần tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách sinh hoạt khoa học như ăn uống đầy đủ, ngủ sớm; cách ly trẻ có triệu chứng với bệnh truyền nhiễm;
Bên cạnh đó, cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch và đầy đủ; thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, tránh để vi khuẩn, virus xâm nhập.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho… đưa trẻ đến bệnh viện để được khám chữa, cấp đơn và dùng thuốc theo đúng bệnh.
Các bác sĩ cũng lưu ý với cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không có bệnh lý gì đặc biệt thì chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc trườm ấm cho trẻ.
Cha mẹ cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe: Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần hơn so với bình thường.
Với trẻ lớn, chuẩn bị cho trẻ các thức ăn mềm, dễ nuốt, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày; Tăng cường rau xanh, trái cây.
Ngoài dịch sốt xuất huyết, năm nay khu vực phía Bắc ghi nhận 15 trường hợp mắc bệnh dại ở người, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội.
Trên phạm vi cả nước theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến 23/10, cả nước ghi nhận 51 trường hợp mắc bệnh dại, tăng so với cùng kỳ 2021 (42 ca) và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận 15 trường hợp (chiếm 29,4% tổng cả nước) tại 11 tỉnh, thành phố.
Để phòng chống, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh tăng cường phòng bệnh dại bởi hiện nay tỉ lệ bệnh nhân tử vong do căn bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng.