Ngõ 165 Cầu Giấy sau khi bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 |
Cụ thể, tại Trúc Bạch có trường hợp dương tính Covid – 19, sau đó lại có người lây nhiễm chéo với trường hợp này nên nguy cơ trở thành ổ dịch là rất lớn. Đó là chưa kể, những người lây nhiễm chéo có tiếp xúc với những người xung quanh, hàng xóm, cửa hàng mua bán… nên thành phố lựa chọn phương án cách ly cả khu phố.
Tuy nhiên, với trường hợp ở Núi Trúc (Ba Đình), anh này chỉ về trong thời gian rất ngắn (1 đêm) và có đi cầu thang lên tầng 10, không hề ảnh hưởng đến các tầng khác. Đồng thời, tại chung cư này chưa phát hiện những ca lây nhiễm, thành phố đã tiến hành khử khuẩn hàng ngày toàn bộ cầu thang chung và phong tỏa cách ly tầng 10 là tầng có nhà của người bệnh.
Một trường hợp khác, tại quận Cầu Giấy, người nhiễm là hướng dẫn viên du lịch sống trong một cụm dân cư cuối ngõ, 2 vợ chồng người này có tiếp xúc với hàng xóm xung quanh nên TP quyết định cách ly toàn bộ cộng đồng dân cư khu vực này.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người tiếp xúc gọi là F1 được cách ly trong căn hộ rộng rãi, thoáng mát, không ảnh hưởng người khác. Ngoài ra, họ được kiểm soát từ ban quản trị tòa nhà, hàng xóm, y tế cộng đồng thì tòa nhà đó không nhất thiết cách ly toàn bộ.
Với những hình thức đang được áp dụng, thành phố Hà Nội khẳng định, việc phong tỏa, cách ly người nghi, nhiễm bệnh hoàn toàn không vì bất kỳ nguyên nhân nào mà đều dựa trên thực tiễn, có chuyên gia đánh giá và có quá trình xác minh.
Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ có một lượng lớn các công dân, du học sinh quay trở về Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch trên thế giới.
Do đó, Thành phố đã sắp xếp thêm những địa điểm có thể tổ chức cách ly cho công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch như: Khu nhà ở sinh viên tại Tứ Hiệp (Hoàng Mai); một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây; bệnh viện đa khoa của Mê Linh; khu tái định cư Thượng Thanh…TP khẳng định, những khu này đều là nơi tổ chức cách ly phòng ngừa, chứ không hề tổ chức chữa bệnh tại đây.