Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đọc Báo cáo Tổng hợp ý kiến đóng góp Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng |
Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Hồ Quang Lợi cho biết, hầu hết các ý kiến nhất trí và đánh giá cao cách nhìn nhận, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI cùa Trung ương, trên từng vấn đề đều chỉ ra những tồn tại, yếu kém rất cụ thể, thẳng thắn, không né tránh. Nhất trí về những ưu điểm, hạn chế khuyết điểm và một số kinh nghiệm như Dự thảo các văn kiện đã nêu. Các ý kiến đều đồng tình và đánh giá cao các bài học từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. Nhất trí với nhận định đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghi quyết Đại hội XI nêu trong Dự thảo báo cáo là “đạt được những thành quả quan trọng” có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tế khách quan.
Nhìn lại 30 năm Đổi mới (1986-2016), hầu hết ý kiến nhất trí với Dự thảo các văn kiện. “Việc đánh giá đã thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thể hiện tính chiến đấu cao. Tuy nhiên còn có một số ý kiến góp ý như sau: Nhà nước quản lý nền kinh tế thị trường chưa thực sự tốt; việc đầu tư phát triển kinh tế của đất nước chưa hiệu quả; nợ xấu tăng cao, nợ công tăng nhanh; giáo dục đào tạo còn nhiều vấn đề, văn hóa xã hội còn tồn tại nhiều bất cập, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng lớn... Một số ý kiến cho rằng bốn nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp”, Báo cáo nêu rõ.
Về các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được trong 5 năm tới, một số ý kiến cho rằng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm là cao so với tình hình trong nước và thế giới hiện nay. Với mức tăng trưởng bình quân cả nước trong 5 năm (2011-2015) mới đạt gần 6%, trong đó tiếp tục dự báo 5 năm tới tình hình thế giới còn nhiều biến động, kinh tế trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, các ý kiến đóng góp cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2020 nên đặt chỉ tiêu từ 6 - 6,5% là phù hợp.
Về mục tiêu “Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD”, các ý kiến đóng góp đánh giá là “khó khả thi” do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực canh tranh của quốc gia còn yếu; thất thoát, lãng phí còn lớn.
Chỉ tiêu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh... cũng được đánh giá là không khả thi do điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay và đến năm 2020 chưa thể đáp ứng việc cung cấp nước sạch.
Báo cáo cho rằng, việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế cần có bước đi thích hợp, có chính sách cụ thể, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; quan tâm đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cần nghiên cứu, xem xét thế mạnh của từng địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mới đem lại hiệu quả cao; cần hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường vai trò của Nhà nước bằng các quy định của pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân.
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng trong thời gian tới cần kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức canh tranh trên cơ sở phát huy tiềm năng con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mẳt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tể và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sổng nhân dân.