Thời sự
Hà Nội đầu tư hơn 76.450 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thanh Nga - 18/09/2019 17:20
Với nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2019 là 76.451,3 tỷ đồng, sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, TP. Hà Nội đã có 6 huyện và 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục khẳng định là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới cả nước.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, qua 10 năm triển khai, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đến nay đã được lan rộng trên toàn Thành phố với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân.

Diện mạo khu vực nông nôn của Hà Nội ngày càng thay đổi

Ngân sách Thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội giai đoạn 2011 - 2019 là 76.451,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng, ngân sách Thành phố là 25.958 tỷ đồng... Riêng giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư tăng bình quân hơn 10%/năm so với giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, trong phát triển nông nghiệp, những năm qua, mặc dù thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình, tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.

Đến nay, Thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3 ha (đạt 104,6% so với kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%). 

Về xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Chính phủ vừa công bố các quyết định công nhận huyện Quốc Oai và Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, nâng số huyện của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới lên 6 huyện (Đan Phương, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai). Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây trình công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.  

Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố hiện có 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 84,2%, vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Đến nay, toàn Thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố và tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình (95%). 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như vấn đề chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. 

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Chí, trong năm 2020, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, tăng cường đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn. Tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

“Là một trong những điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đảm bảo chất lượng, bền vững, đồng bộ, hiệu quả, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị”, ông Chí cho biết.

Tin liên quan
Tin khác