Thời sự
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền chống hàng lậu hàng giả
Thu Trang - 21/01/2015 08:45
 Trong năm 2014, thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, buôn lậu qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện, xử lý 8.819 vụ vi phạm, đạt 96,2% so với số vụ kiểm tra và đạt 124% so với chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2014.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Buôn lậu thuốc lá vẫn nóng
Quản lý thị trường thu nộp ngân sách 396,7 tỷ đồng
Hà Nội liên tiếp bắt giữ hàng giả, hàng lậu
Thu giữ 500 hộp thuốc giả tại Trung tâm Dược Hapulico

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả của lực lượng QLTT Hà Nội năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm, góp phần ổn định thị trường trên địa bàn Thành phố.

Trong năm 2014, thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, buôn lậu qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, tình hình này vẫn diễn biến một cách phức tạp. Hà Nội vừa là nơi tiêu thụ vừa là nơi chung chuyển hàng nhập lậu, chủ yếu từ Quảng Ninh, Lạng Sơn… về và được tiêu thụ bằng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vị, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa. Thủ đoạn chủ yếu hiện nay là gom hàng tại biên giới, hợp thức hóa bằng chứng từ mua bán nội địa, kê khai giá hàng hóa nhập khẩu và thương mại thấp hơn giá trị thực của hàng hóa, quay vòng chứng từ.

Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm về chất lượng, ATTP và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP.

Kết quả, trong năm 2014, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 9.167 vụ, đã xử lý 8.819 vụ vi phạm (đạt 96,2% so với số vụ kiểm tra và đạt 124% so với chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2014). Tổng số thu 92 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính 38,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa dịch vụ và hàng hóa buộc tiêu hủy bằng 53,8 tỷ đồng.

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bên cạnh công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được chú trọng. Cục QLTT đã tổ chức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố (chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp và một số tuyến phố kinh doanh) ký cam kết không buôn bán, vận chuyển tàng trữ hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Cục QLTT TP. Hà Nội đã tổ chức cho 626 hộ kinh doanh thuốc lá; 69 cơ sở kinh doanh phân bón; 222 cở sở kinh doanh mũ bảo hiểm; 111 siêu thị, trung tâm thương mại; 145 cơ sở kinh doanh tại các làng nghề; 1956 cở sở kinh doanh tại các chợ, tuyến phố kinh doanh lớn; 926 cở sở kinh doanh khác ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng và vi phạm ATTP. Việc này có tác dụng phòng ngừa ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân cũng như răn đe các đối tượng vi phạm.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đã tổ chức triển lãm “Hàng thật - Hàng giả” tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có hàng hóa nhãn hiệu bị xâm phạm; Tổ chức 3 gian hàng trưng bày hàng giả, hàng thật tại Triển lãm 60 năm Giải phóng Thủ đô; Phối hợp với đài phát thanh truyền hình Hà Nội thực hiện công tác tuyên truyền với chuyên mục “Chung tay chống hàng giả”.

Mặc dù công tác quản lý thị trường trong năm 2014 vừa qua đã được tăng cường, nhưng nhiều đối tượng làm ăn phi pháp vẫn bất chấp quy định của pháp luật, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bao an toàn thực phẩm để tung ra thị trường.

Nhận định về tình trạng này, đại diện Chi cục QLTT cho biết, hiện nay, tình trạng buôn lậu hàng hoá vẫn diễn ra mạnh mẽ. Hàng hoá vi phạm theo đó rất đa dạng, tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước hay hàng có mức thuế nhập khẩu cao như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm…

Để giải quyết tình trạng này, Chi cục QLTT TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát lại khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại nói chung, trong đó có hoạt động quản lý thị trường nói riêng.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp có hiệu quả hơn giữa lực lượng quản lý thị trường với lực lượng chức năng, trong đó có đội biên phòng, cơ quan thuế, cơ quan hải quan, lực lượng cảnh sát biển…, để có sự tổng hoà và tận dụng lực lượng của tất cả các ngành chức năng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để hiệu quả công tác này nâng cao hơn.

Trong các hội nghị của Bộ Công Thương, của ngành quản lý thị trường và đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống gian lận thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhiều lần nhấn mạnh, ”Bên cạnh việc phải nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, thì phẩm chất đạo đức, trách nhiệm cũng phải được nâng cao tương ứng. Chống buôn lậu không phải là việc riêng của ngành Công thương, càng không phải là việc riêng của Quản lý thị trường, nó đòi hỏi yêu cầu sự tham gia của toàn xã hội”.

Tin liên quan
Tin khác