Trao đổi tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 29/12, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, theo kết quả kiểm tra, rà soát của Sở Xây dựng, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư. Trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2 ha).
Ngoài ra, Hà Nội hiện còn có 306 chung cư cũ độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng. Các chung cư cũ chủ yếu tập trung tại khu vực 4 quận nội thành cũ, phần lớn đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến trao đổi tại buổi giao ban báo chí (Ảnh: KTĐT) |
Tổng hợp các văn bản giao nhiệm vụ đến nay, UBND Thành phố đã giao các nhà đầu tư thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Trong tổng số 30 khu hiện có: 2 khu đã được phê duyệt quy hoạch/tổng mặt bằng; 3 khu đang triển khai lập quy hoạch theo Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt; 19 khu đã báo cáo UBND Thành phố về ý tưởng quy hoạch (gồm 7 khu đã báo cáo ý tưởng lần 1, 12 khu đã báo cáo ý tưởng lần 2); 3 khu chưa báo cáo UBND Thành phố về ý tưởng và 3 khu nhà đầu tư xin rút.
Theo ông Tuyến, vừa qua, Văn phòng UBND Thành phố đã có Thông báo số 461/TB-VP ngày 6/10/2020 thông báo kết luận của Tập thể Lãnh đạo UBND Thành phố về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố và tại khu chung cư cũ Giảng Võ, quận Ba Đình.
Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp cùng Sở Xây dựng trong việc hoàn thiện Đề án đồng thời tổng hợp các hồ sơ ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do một số doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành theo chỉ đạo của UBND Thành phố và ý kiến của Bộ Xây dựng. Đồng thời hai Sử sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, ông Tuyến nói.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết, Sở sẽ phát huy trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, sự phản biện, tham gia đóng góp ý kiến của nhà quản lý, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân vào các đồ án quy hoạch quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến diện mạo và sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Đồng thời, rà soát, báo cáo việc thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung còn lại. Thực hiện thiết kế đô thị và cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giám sát, quản lý quy hoạch. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong thời gian ngắn. Sớm triển khai lập quy hoạch, phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành, các chương trình, kế hoạch, đề án về giao thông đô thị; quy hoạch cấp, thoát nước”, ông Tuyến nhấn mạnh.