Hội nghị đối thoại có sự tham gia của hơn 250 đại biểu, đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương, Sở, ngành Thành phố; lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã; đại diện làng nghề, hội làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở ngành nghề nông thôn tiêu biểu và các nghệ nhân...
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đồng chủ trì Hội nghị. |
Những năm gần đây, các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của Hà Nội luôn có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm. Việc bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa - nông nghiệp - nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho người dân là hướng đi quan trọng của Thành phố trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được; quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, mục tiêu của Hội nghị là cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Thành phố, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là khu vực nông thôn và đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh công tác bảo tồn, phát triển làng nghề luôn được TP. Hà Nội quan tâm. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 70 lượt kiến nghị của 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, được tổng hợp theo 15 cụm câu hỏi.
Các câu hỏi thuộc 3 nhóm vấn đề. Một là, nhóm vấn đề liên quan đến Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; hai là, nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; ba là, nhóm vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết thêm, các câu hỏi của đại biểu sẽ được các sở ngành chức năng của TP. Hà Nội trả lời chi tiết. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh sẽ phát biểu tổng kết và chỉ đạo các sở ngành của Thành phố tập trung quyết liệt để giải tỏa những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn tại các làng nghề nhằm thúc đẩy làng nghề của Thủ đô hội nhập - phát triển - bền vững.
Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp; hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn vì sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội và cả nước, việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội là hướng đi đúng để Thành phố có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững.