Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 632/SYT-NVY gửi UBND các quận, huyện, thị xã về hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã.
Hà Nội đã quyết định điều trị F0 không triệu trứng, triệu trứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động. |
Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 (gọi là trạm y tế lưu động) không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các địa bàn xã, phường, thị trấn.
Tại các trạm y tế lưu động này được thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện, thị xã; đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Tại các trạm y tế lưu động không tiếp nhận các F0 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền; chỉ tiếp nhận F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc mức độ nhẹ, bao gồm các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô-xy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời.
Sở Y tế cũng yêu cầu, căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp với tình hình của địa phương.
Tại các trạm y tế lưu động phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "Trạm y tế lưu động - cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Không nhiệm vụ miễn vào". Ngoài ra, các trạm y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế lưu động có 1 xe ô tô chuyên dụng, nhân viên y tế cho 1 kíp có 5 người (gồm: 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị.
Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ: Hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt...
Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, tại nhiều quận, huyện đã tổ chức diễn tập triển khai mô hình trạm y tế lưu động phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, mô hình trạm y tế lưu động không mới, đã được áp dụng tại Bình Dương và TP.HCM từ hồi tháng 8. Các trạm sẽ quản lý, chăm sóc người bệnh cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế. Các trung tâm y tế quận, huyện đóng vai trò chủ đạo trong tham mưu thành lập và vận hành các trạm y tế lưu động.
Dù đánh giá cao hiệu quả trong chăm sóc và điều trị F0 tại nhà mà các trạm y tế đang đạt được tại TP.HCM, song ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng không quên nhắc nhở các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Theo đó, tổ y tế, nhân viên y tế từ các trạm y tế lưu động cần sàng lọc thật tốt các F0. Khi thấy dấu hiệu F0 tại nhà ho, khó thở, cần sẵn sàng cấp cứu ngay và có phương án chuyển lên tuyến cao hơn.
Các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền, thì nên vận động đưa vào các cơ sở thu dung tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Bởi vì, nếu các bệnh nhân này chuyển nặng, thì diễn biến sẽ rất nhanh. Cùng với đó, y tế tuyến phường phải sẵn sàng ô-xy, máy đo SpO2, các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các F0.
Từ những bài học đã có được tại TP.HCM trong triển khai các trạm y tế lưu động, hy vọng Thành phố Hà Nội sẽ làm tốt công tác chăm sóc, điều trị F0 nhẹ, tránh quá tải cho y tế tuyến trên.