Y tế - Sức khỏe
TP.HCM bổ sung 33 trạm y tế lưu động
Việt Dũng - 09/11/2021 21:24
Trước tình trạng bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà tăng cao ở một số quận, huyện, TP.HCM sẽ bổ sung gấp 33 trạm y tế lưu động.

Ngày 9/11, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 8 quận, huyện có số ca Covid-19 cách ly tại nhà cao. Trong đó, quận 12 đứng đầu với 9.488 ca, tiếp theo là TP.Thủ Đức với 6.554 ca; huyện Hóc Môn 6.406 ca; huyện Bình Chánh 3.888 ca; quận Gò Vấp 2.631 ca; quận Tân Phú 2.149 ca; quận Bình Tân 1.939 ca và huyện Nhà Bè 771 ca.

Sở Y tế TP.HCM đã triển khai 222 Trạm y tế lưu động cho các quận huyện có số ca F0 cách ly tại nhà.

Trước tình hình F0 cách ly tại nhà gia tăng, sở Y tế đã phối hợp với lực lượng quân y để tăng cường thêm 33 trạm Y tế cho 4 quận, huyện là quận 12 (20 trạm), huyện Hóc Môn (4 trạm), huyện Bình Chánh (8 trạm) và quận Bình Tân (1 trạm).

Như vậy, nếu được bổ sung thêm, quận 12 có đến 45 Trạm y tế lưu động (hiện 25); huyện Hóc Môn có 35 trạm (hiện 31), huyện Bình Chánh 16 trạm (hiện 8). TP.Thủ Đức hiện đã có 32 Trạm y tế lưu động, quận Bình Thạnh có 20 trạm…

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Trạm y tế lưu động xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh


Tính đến hết ngày 9/11, TP.HCM có khoảng 51.000 bệnh nhân Covid-19 đang cách ly, chăm sóc, điều trị. Theo đó, có hơn 11.300 ca F0 điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3; hơn 4.300 ca F0 cách ly tại các khu cách ly tập trung và hơn 35.000 ca F0 cách ly tại nhà.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành thí điểm tổ chức thực hành khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở là Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức và Trạm Y tế phường, xã, thị trấn.

Theo Sở Y tế, trong thời gian qua, việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo điều 24, luật Khám, chữa bệnh. Theo đó, người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với bác sĩ, phải thực hành tương ứng là 18 tháng tại cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh; đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh phải thực hành 9 tháng tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhưng hiện nay, ngoài 4 Trung tâm y tế có giường bệnh là quận 3, quận 5, quận 10 và huyện Cần Giờ (do sáp nhập với bệnh viện quận, huyện), còn lại 18 Trung tâm y tế và 310 Trạm Y tế có chức năng khám, chữa bệnh nhưng không có giường bệnh, nên việc xác nhận thời gian thực hành cho bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định gặp khó khăn do phải ký hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chỉ trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành (trung bình khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng).

Từ thực trạng nêu trên nên việc thu hút bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y về công tác tại Trung tâm y tế và Trạm Y tế trong thời gian qua gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Để củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân lực y tế cơ sở, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép Sở Y tế phối hợp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân bố bác sĩ y đa khoa và điều dưỡng đa khoa mới tốt nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo tham gia thực hành khám, chữa bệnh tại 22 Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức và 310 Trạm Y tế phường, xã.

Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ Y tế xem xét, chấp thuận về việc thí điểm tổ chức đào tạo thực hành khám, chữa bệnh cho bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng tại y tế cơ sở là Trung tâm y tế và Trạm Y tế trên địa bàn TP.HCM. 

Cụ thể, với bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng thì 12 tháng thực hành tại y tế cơ sở, 6 tháng còn lại sẽ thực hành tại bệnh viện và được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi chuyên môn: Phát hiện và xử lý các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác