Theo kế hoạch, các làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề có nhu cầu được hỗ trợ và được UBND quận, huyện, thị xã có văn bản đề nghị sẽ được đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu từ nguồn ngân sách Thành phố.
Lụa Vạn Phúc (ảnh minh họa: Inernet) |
Việc lựa chọn các làng nghề được hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2018 được thực hiện theo thứ tự ưu tiên:
Làng nghề có kế hoạch và dự toán kinh phí về xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2018, trong đó, có phương án duy trì, phát triển thương hiệu làng nghề sau khi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu năm 2018.
Làng nghề đăng ký thực hiện đủ 3 nội dung hỗ trợ của Kế hoạch để đảm bảo sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ.
Làng nghề đã đăng ký các năm trước nhưng chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề, đồng thời có sự phân bổ hợp lý kinh phí hỗ trợ giữa các quận, huyện, thị xã.
Sau khi nhận được Đăng ký tham gia chương trình “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2018” của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương kiểm tra đối tượng, nội dung, tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị đăng ký của các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, Sở này cũng phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính lựa chọn danh sách làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức kinh phí hỗ trợ cho từng làng nghề được hỗ trợ.
Sở Công Thương và Sở Tài chính đồng trình UBND Thành phố ban hành quyết định phê duyệt danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với từng làng nghề theo quy định.
Theo UBND TP. Hà Nội, kế hoạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc truyền thống và danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thu hút sự quan tâm và tham gia của các làng nghề trên địa bàn Thành phố, qua đó tạo được sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động nhằm phát triển và xây dựng thương hiệu mạnh cho các làng nghề.