Trước đó, vào các ngày 10 và 11/6, các thí sinh này đã làm bài thi 3 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.
Ảnh minh hoạ. |
Đây là 3 bài thi bắt buộc đối với tất cả thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên năm học 2023-2024. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2).
Năm học 2023-2024, TP.Hà Nội có 4 trường THPT tuyển học sinh vào lớp 10 chuyên, gồm các trường: Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây. Mỗi học sinh được chọn tối đa 2 trong 4 trường chuyên để đăng ký dự tuyển.
Toàn Thành phố có 11.283 thí sinh đăng ký dự thi vào các lớp 10 chuyên. Trong đó, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 4.127 thí sinh đăng ký dự tuyển;
Trường THPT Chu Văn An có 3.222 thí sinh đăng ký dự tuyển; Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 2.805 thí sinh đăng ký; Trường THPT chuyên Sơn Tây có 1.129 thí sinh đăng ký.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã bố trí 17 điểm thi với gần 500 phòng thi để tổ chức kỳ thi.
Trong đó, buổi sáng, tại các điểm thi diễn ra các môn thi: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn; buổi chiều diễn ra các môn thi: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, tiếng Anh.
Dù số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên không nhiều, song các điểm thi tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và giữ nghiêm kỷ cương trường thi nhằm bảo đảm sự công bằng.
Theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
Việc xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để đủ chỉ tiêu được giao cho từng lớp chuyên.
Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều học sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn học sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 4/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố kết quả các bài thi; từ ngày 8 đến ngày 9/7 công bố điểm chuẩn.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được giao, phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp, các trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố sẽ đề xuất điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 năm học 2023-2024.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 cho từng trường và công bố công khai. Thời gian công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 chuyên và lớp 10 công lập không chuyên dự kiến từ ngày 8 đến 9/7/2023.
Về điểm thi, các giáo viên của hệ thống giáo dục Hocmai dự kiến môn Toán mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng từ 6 - 7 điểm.
Môn Ngữ văn, dự kiến kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 7.0 - 8.0 nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kỳ thi năm nay.
Môn tiếng Anh, mức điểm phổ biến với bài thi lần này có thể rơi vào khoảng 6,5-7 điểm. Mức điểm 9 có thể nhiều nhưng để đạt được điểm 10 thì cần phải có kiến thức mở rộng tốt.
Về công tác tổ chức thi, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP.Hà Nội, công tác coi thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế.
Kết quả ấy có sự chung sức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở, và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh với phương châm chuẩn bị chu đáo, coi thi nghiêm túc để bảo đảm công bằng, thực chất trong tuyển sinh lớp 10, góp phần nâng chất lượng giáo dục ở cấp trung học phổ thông.
Với 105.000 thí sinh, Hà Nội là địa phương có số thí sinh dự tuyển vào lớp 10 nhiều nhất cả nước. Tỷ lệ chỉ tiêu được tuyển vào lớp 10 công lập chỉ chiếm khoảng 60% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Hà Nội đã bố trí 201 điểm thi với gần 5.000 phòng thi. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera giám sát 24 giờ/ngày. Sở Giáo dục và Đào tạo điều động khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, tại các điểm thi còn có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ công an; 3.000 sinh viên và hàng trăm học sinh các trường THPT tham gia tình nguyện hỗ trợ thí sinh.
Trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP.Hà Nội liên tục đi kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thi. Ngoài ra, còn có các đoàn kiểm tra của ban chỉ đạo thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã và Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại 201 điểm thi trên địa bàn Thành phố đều chủ động có phương án ứng phó với các tình huống có thể phát sinh. Dù tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, song mỗi điểm thi đều bố trí tối thiểu 2 phòng thi dự phòng.
Trong điều kiện nắng nóng, các điểm thi đều có máy phát điện dự phòng. Ngoài nhân viên y tế trực tại điểm thi, các địa phương bố trí nhân viên y tế trực, sẵn sàng khi có sự cố... Các điểm thi còn bố trí người phòng trường hợp cần chở thí sinh về nhà lấy giấy tờ trong trường hợp bị quên.