Thời sự
Hà Nội hoàn thành việc xử lý 25/25 cơ sở ô nhiễm
Thanh Nga - 13/11/2018 18:39
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thành phố đã chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, giảm mức phát thải khí nhà kính, tăng tỷ lệ che phủ rừng và hoàn thành việc xử lý ô nhiễm tại 25/25 cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Thành phố đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ảnh minh họa

Thành phố đã triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Từ đó, đã giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8-10% trên đơn vị GDP so với năm 2010. Thành phố đã sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%; quản lý theo quy hoạch 92.000 ha đất trồng lúa. Hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Cùng với đó, Thành phố đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%.

Thành phố đã có 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; Tăng diện tích cây xanh đô thị đạt 10 - 12 m2/người theo quy hoạch.

Về quy hoạch đô thị, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Thành phố đã tận dụng tối đa cảnh quan tự nhiên, tạo ra đa dạng các loại hình công viên cây xanh trong thành phố, tiến đến tạo ra các công viên công nghệ - nhân tạo - kết hợp giải trí và nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế; kết hợp công viên với cây xanh đường phố và cây xanh các khu dân cư tạo nên hệ thống hài hòa giữa cảnh quan vừa môi trường sinh thái. Tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng đặc biệt là các khu vực nông thôn về ý thức của người dân trong việc xả nước thải và rác thải ra môi trường, tăng cường việc trồng cây xanh khu vực dân cư.

Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, ưu tiên trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, chiếu sáng. Áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Đối với chương trình phát triển năng lượng tái tạo, Hà Nội đã tổ chức lồng ghép triển khai Chương trình “Quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời” hưởng ứng phong trào Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng hàng năm. Tổ chức mô hình thí điểm tuyên truyền hạn chế sử dụng bếp than tổ ong. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thay thế 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng trên địa bàn Thành phố. 

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác, đa dạng hóa nguồn lực tài chính và đầu tư có hiệu quả. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do rủi ro thiên tai”, ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác