Đầu tư Phát triển bền vững
Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới các đơn vị cấp huyện
Phương Linh - 31/01/2024 07:37
Mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024..

Trong năm 2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đều đã làm tốt công tác tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, nông thôn mới được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023. Cụ thể, Thành phố có thêm 3 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình lên 100%. 

Về huyện nông thôn mới nâng cao, có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đang phối hợp với các sở, ngành Thành phố để hoàn thiện theo đúng quy định; 2 huyện Đan Phượng và Thanh Oai hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình UBND Thành phố trước ngày 30/3/2024, huyện Thường Tín trình UBND Thành phố trước 30/6/2024.

Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh là 1 trong 8 xã của huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đối với xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới Thành phố tiến hành thẩm định được 61 xã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới nâng cao và 45 xã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 của 16 huyện, thị xã. Còn 2 huyện Thường Tín và Mê Linh với 11 xã đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao và 3 xã đề nghị công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, Đoàn thẩm định thành phố tiến hành thẩm định xong trong tháng 2/2024.

Trong năm qua, Thành phố cũng đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm (vượt chỉ tiêu thành phố giao là 400 sản phẩm), trong đó có 104 sản phẩm 4 sao, 440 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025.

Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 1.460 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó: có 1.266 hợp tác xã đang hoạt động và 194 hợp tác xã ngừng, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể. Các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại hoạt động đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, chủ trang trại góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, trong năm 2023 Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND Thành phố Hà Nội công nhận 15 “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, nâng tổng số làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội được công nhận lên 327 làng nghề.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu so với Kế hoạch năm 2023. Cùng với đó, có thêm 2 sản phẩm OCOP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt 5 sao.

Về phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, thứ nhất, cần rà soát lại quy chế làm việc của hai cơ quan từ Chi cục đến Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, khẩn trương phối hợp phòng tổ chức cán bộ xây dựng đề án việc làm. Qua đó, cần phải tiếp tục tăng cường sự phối hợp các phòng chuyên môn và tăng cường phối hợp với cơ quan đơn vị đặc biệt là đối tác doanh nghiệp.

Đối với chương trình OCOP cần thực hiện đúng vai trò, tích cực phối hợp các cơ quan Sở Ngành các phòng truyền thông và đồng hành với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới để hoàn thành nhanh chóng chương trình mục tiêu Quốc gia của thành ủy, hoàn thành mục tiêu đại hội đại biểu Thành phố.

Tin liên quan
Tin khác