Y tế - Sức khỏe
Hà Nội: Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
D.Ngân - 12/06/2023 20:27
Ngày 12/6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 13.

Phát biểu tại Lễ phát động, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội là Thành phố có dân số đứng thứ 2 cả nước, địa bàn rộng, di biến động dân cư rất lớn. Vì vậy, nguy cơ về sốt xuất huyết luôn ở mức cao.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến khó lường.

Các khu vực có ổ dịch hàng năm diễn biến phức tạp cả ở khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành. Đặc biệt là các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai...

Năm 2022, toàn Thành phố đã có hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh, 25 ca tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết. Tính đến tháng 6/2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chính thức phát động đợt chiến dịch các hoạt động chủ động phòng chống sốt xuất huyết trên toàn TP.

Ngay sau lễ phát động, các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết đã diễn ra lễ ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống sốt xuất huyết; hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình của đội xung kích; hoạt động phun hóa chất diệt muỗi bằng kỹ thuật phun ULV tại hộ gia đình và phun mù nóng phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam, đặt biệt tại Hà Nội, ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn.

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết, nhận thức và thông tin là yếu tố quan trọng nhất. 

Các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống.

Bên cạnh đó, cần loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách không để nước đọng trong chậu hoa, bể cá và thường xuyên làm sạch các vật dụng có thể chứa nước, từ những hành động đơn giản nhất như đậy kín và lật úp các đồ chứa nước. Đồng thời sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi để giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết.

Để phòng ngừa được dịch bệnh này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các cấp, ngành. Đối với ngành Y tế, tiếp tục theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn, tập trung chính vào các nhiệm vụ chuyên môn.

Đơn cử như tổ chức việc thu dung khám bệnh, phân độ, phân tuyến, điều trị bệnh nhân, đảm bảo sự tham gia của tất cả các tuyến khám, chữa bệnh. 

Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.

Đối với các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách đồng bộ. Trong đó, tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP theo phương châm 4 tại chỗ.

Chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tiết kiệm. Các địa phương tập trung chú ý làm vệ sinh môi trường các khu vực nguy cơ cao như nơi có ổ dịch cũ, nơi có vệ sinh môi trường kém, nơi thiếu nước sạch, khu vực cho thuê trọ, công trường xây dựng, nhà hoang, nghĩa trang xen kẽ khu dân cư.

Đối với xã, phường, thị trấn cần làm tốt công tác giám sát phát hiện sớm các ca nghi sốt xuất huyết. Triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.

Tổ chức hoạt động giám sát côn trùng truyền bệnh tại các khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, khu vực ổ dịch cũ, khu vực có bệnh nhân mới; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và các chiến dịch phun thuốc chủ động phòng chống dịch.

Chính quyền các cấp, chủ động trong phương thức tuyên truyền, sử dụng cả những hình thức công nghệ mới như zalo, tiktok để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch bệnh.

Tại cơ quan xí nghiệp, tại trường, quán ăn... trong đó lưu ý nguy cơ sốt xuất huyết có thể đến từ cả những đồ vật bị bỏ quên như thùng xốp, phế liệu có thể đọng nước.

Đồng thời, người dân cũng nắm bắt được các số điện thoại để thông báo ngay với trạm y tế địa phương khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Các bác sĩ khuyến cáo sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. 

Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp,... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tin liên quan
Tin khác