|
Huyện Đan Phượng xin cơ chế đặc thù để đầu tư hạ tầng lên quận |
Báo cáo về kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của UBND huyện Đan Phượng cho thấy, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của huyện được phê duyệt ban đầu 2.073 tỷ đồng cho 366 dự án, sau được bổ sung 381 tỷ 436 triệu đồng cho 95 dự án và 47 dự án mới. Hết năm 2018, huyện đã giải ngân được 1.116 tỷ 109 triệu đồng, đạt 91,4% kế hoạch giao. Thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng 4 tháng qua đạt 25% kế hoạch vốn giao năm nay.
Tuy nhiên, qua nửa kỳ thực hiện kế hoạch cho thấy, tại huyện có một số dự án chậm phải điều chỉnh, giãn, hoãn tiến độ; phải bổ sung điều chỉnh kế hoạch đầu tư 5 năm 2016-2018 do nhiều dự án phát sinh hoặc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, một số dự án trong kế hoạch nhưng không thực hiện được.
Báo cáo đánh giá, trong khi nguồn vốn cần thiết để thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019 - 2020 đặc biệt là năm 2020 tương đối lớn, vì vậy để hoàn thành kế hoạch 5 năm là khó khăn. Dù đã nỗ lực gỡ vướng cho các dự án đặc biệt về giải phóng mặt bằng, đôn đốc các đơn vị, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư các dự án từ đầu năm đến nay cũng chưa đạt yêu cầu.
Theo lãnh đạo UBND huyện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại này, trong đó có các dự án đầu tư nhằm đảm bảo yêu cầu phù hợp với tiêu chí hạ tầng đô thị chuẩn bị lên quận nên phải điều chỉnh quy mô đầu tư cho phù hợp. Nhất là một số dự án vướng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công; thủ tục đầu tư các dự án lớn phức tạp, phải qua nhiều lần
đấu thầu lựa chọn
nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Do đó, UBND huyện đề nghị các sở, ngành Thành phố tham mưu HĐND Thành phố xem xét thông qua kế hoạch vốn đầu tư công các dự án khởi công mới giai đoạn 2019-2020 của huyện (trường THPT Thọ Xuân, cải tạo nâng cấp đường tỉnh 422 đoạn từ dốc Liên Hà đến Quốc lộ 32 huyện Đan Phượng) trong năm 2020.
Đặc biệt, huyện Đan Phượng đề nghị Thành phố Hà Nội cho được hưởng cơ chế đặc thù từ nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội của huyện đạt các tiêu chí quận vào năm 2020; hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí hạ tầng KT - XH đô thị phấn đấu huyện lên quận, xã lên phường, do huyện có nguồn vốn hạn chế, nguồn thu ít.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã quyết định hàng loạt nội dung quan trọng liên quan đến Đề án đầu tư, xây dựng các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Để giải quyết một số tiêu chí các huyện chưa đạt để đủ điều kiện chuyển thành quận, như: Cân đối thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng khung, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị, đường đô thị được chiếu sáng, đất cây xanh công cộng…, UBND thành phố thống nhất sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển thành quận.
Cùng đó, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa thông qua việc thuê tổ chức nước ngoài thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch 3 huyện trên tinh thần giảm mật độ, tăng chiều cao.