Thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô
UBND TP. Hà Nội cho biết đang lập đề án “thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Đây là biện pháp kinh tế trong Đề án được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua vào tháng 7/2017 nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông tại một số khu vực cụ thể bằng biện pháp kinh tế, tức nộp phí.
Theo UBND thành phố Hà Nội, phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Do đó, với lượng phương tiện như hiện nay sẽ là nhân tố lớn tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân. Việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện hoạt động sẽ phải đóng phí là từ đường vành đai 3 trở vào.
Đặc biệt, với hình thức thu phí tự động, các phương tiện đặc biệt là ô tô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Phụ thu thêm phí ô nhiễm
Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP. Hà Nội cũng đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.
Với thu phí môi trường, thành phố Hà Nội đề xuất khi ô tô đến các trạm đăng kiểm theo định kỳ sẽ đóng khoản phí này như phí sử dụng đường bộ hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua sớm, dự kiến Sở GTVT sẽ triển khai các công tác chuẩn bị nhiệm vụ này từ năm 2019.
Đại diện Hiệp hội vận tải và một số chuyên gia về giao thông cho rằng để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường việc thu phí vào nội đô, thậm chí cả phí đỗ xe theo giờ cần được triển khai. Đây là việc nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã thực hiện và đang phát huy hiệu quả.
Dự báo đến năm 2020, TP. Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6.000.000 xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.
Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cho rằng việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông cũ, phát thải cao là hết sức cần thiết.